Chứng khoán tuần mới (từ 14 đến 18/4): Cẩn trọng chờ xu hướng mới
![]() |
Mở đầu tuần giao dịch vào ngày 8/4, ngay sau kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, VN-Index lao dốc mạnh với mức giảm gần 78 điểm, kéo theo làn sóng bán tháo lan rộng trên toàn thị trường. Nguyên nhân chính xuất phát từ tâm lý lo ngại của nhà đầu tư sau thông tin Hoa Kỳ có khả năng áp mức thuế quan đối ứng lên đến 46% đối với một số mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam. Diễn biến tiêu cực này tiếp tục kéo dài sang phiên giao dịch ngày 9/4, khi VN-Index mất thêm 39,5 điểm, đưa chỉ số tụt xuống ngưỡng thấp nhất kể từ cuối năm 2023, dừng tại 1.094 điểm.
Bước ngoặt của thị trường xuất hiện vào phiên ngày 10/4, khi Chính phủ Mỹ bất ngờ thông báo sẽ tạm hoãn việc áp dụng thuế quan trong vòng 90 ngày để tiếp tục đàm phán. Thông tin này lập tức tạo hiệu ứng tích cực, giúp đảo chiều tâm lý nhà đầu tư và kích hoạt làn sóng mua vào mạnh mẽ. VN-Index bứt phá gần 74 điểm chỉ trong một phiên, tương đương mức tăng 6,77%.
Đáng chú ý, trong rổ VN30 toàn bộ 30 mã đều tăng trần – một kịch bản hiếm gặp, thể hiện sự đồng thuận tuyệt đối của dòng tiền đối với nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường. Phiên cuối tuần tiếp tục ghi nhận đà phục hồi ấn tượng với mức tăng thêm hơn 54 điểm, đưa VN-Index kết phiên ngày 11/4 tại 1.222,46 điểm, gần như xóa sạch toàn bộ mức giảm trong những phiên đầu tuần. Thanh khoản toàn thị trường tăng vọt, với tổng giá trị giao dịch trên ba sàn đạt xấp xỉ 41.800 tỷ đồng – một con số cho thấy sự quay lại quyết liệt của dòng tiền đầu cơ lẫn đầu tư giá trị.
Đặc biệt, khối ngoại đã chấm dứt chuỗi bán ròng kéo dài nhiều tuần, quay lại mua ròng trên diện rộng, tập trung vào các cổ phiếu bluechip như Hòa Phát (HPG), FPT, ACB, MBB, VIC… góp phần quan trọng trong việc củng cố xu hướng hồi phục. Trong khi đó, nhóm ngành ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và tiêu dùng đều đồng loạt khởi sắc, cho thấy kỳ vọng hồi phục đã lan tỏa tới toàn bộ thị trường chứ không chỉ dừng ở một vài mã đơn lẻ.
Bình luận về diễn biến thị trường, bà Nguyễn Thị Mỹ Liên – Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Phú Hưng – nhận định rằng: “Sự hoảng loạn trong giai đoạn vừa qua đã mở ra cơ hội rất tốt để tích lũy các cổ phiếu cơ bản, có tính phòng thủ cao và hưởng lợi từ các chính sách vĩ mô của Chính phủ. Những cổ phiếu này thường có tỷ suất cổ tức cao, ít chịu ảnh hưởng bởi chính sách thuế Mỹ, và thường thuộc các nhóm ngành hàng tiêu dùng thiết yếu như SAB, BMP, VNM, QNS hay ngành điện nước như REE, BWE, GEG”.
Theo bà Liên, các cổ phiếu kể trên đã giảm ít hơn thị trường chung, phản ánh niềm tin ổn định của nhà đầu tư. Thậm chí, ngay cả trong kịch bản xấu nhất, nhà đầu tư vẫn có thể hưởng lợi từ cổ tức – cao hơn lãi suất tiền gửi – trong khi tránh được các rủi ro đầu cơ. Bà cũng nhấn mạnh rằng việc công bố kết quả kinh doanh quý I/2025 sẽ là yếu tố có ảnh hưởng rõ rệt đến dòng tiền trong bối cảnh thị trường đang tạm "giảm nhiệt" nhờ chính sách trì hoãn thuế quan.
Trao đổi với PetroTimes, ông Khải Hoàn - chuyên gia tư vấn thuộc Công ty chứng khoán VPS tỏ ra thận trọng khi cho rằng chưa có nhiều doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh vượt kỳ vọng. Thậm chí, một số nhóm ngành còn ghi nhận kết quả không tốt, khiến thị trường có khả năng phân hóa mạnh theo từng ngành. Chuyên gia này lưu ý nhà đầu tư cần đánh giá đúng triển vọng từng nhóm ngành cụ thể, đặc biệt là nhóm tài chính – vốn được kỳ vọng vẫn là đầu tàu dẫn dắt thị trường trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Việt Quang – Giám đốc Kinh doanh tại Chứng khoán Yuanta – cho biết: “Các nhà đầu tư hiện nay rất chú ý đến các yếu tố vĩ mô, vì chúng ảnh hưởng trực tiếp đến kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025. Tuy nhiên, ngay cả khi có kết quả kinh doanh quý I/2025 tích cực, giá cổ phiếu cũng chưa chắc phản ứng mạnh ngay lập tức, do tâm lý thị trường vẫn còn thận trọng”.
Có thể thấy tuần giao dịch vừa qua thị trường chứng khoán Việt Nam thể hiện sự nhạy cảm với thông tin quốc tế, nhưng cũng phản ứng mạnh khi tâm lý được giải tỏa. Sự phục hồi kỹ thuật là điều tích cực, nhưng để hình thành một xu hướng tăng bền vững, thị trường cần thêm các chất xúc tác từ dòng tiền ổn định, kết quả kinh doanh quý I/2025 của các doanh nghiệp, cũng như tín hiệu chính sách rõ ràng hơn từ cả trong nước và quốc tế.
Trong ngắn hạn, nhà đầu tư nên duy trì sự linh hoạt, giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức hợp lý (khoảng 30% NAV), tập trung vào các cổ phiếu cơ bản có dòng tiền tốt và lợi nhuận ổn định, đồng thời sẵn sàng tăng tỷ trọng khi thị trường xác lập xu hướng rõ ràng hơn ở vùng hỗ trợ quanh mốc 1.150 điểm.
Minh Khang
- Tin nhanh chứng khoán ngày 15/4: Thị trường điều chỉnh, cổ phiếu nhạy cảm với thuế quan bị bán mạnh
- Nhận định thị trường chứng khoán ngày 15/4: Nhà đầu tư cần cảnh giác rung lắc ngắn hạn
- Tin nhanh chứng khoán ngày 14/4: Thị trường giữ nhịp tăng trong dè dặt, phân hóa bắt đầu rõ nét
- Nhận định thị trường chứng khoán ngày 14/4: Ưu tiên quản trị rủi ro, giữ tài khoản an toàn
- Xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực chứng khoán đối với Công ty CP Sợi Thế Kỷ
- Tin nhanh chứng khoán ngày 11/4: VN Index tiếp đà tăng mạnh, khối ngoại mua ròng gần 1 nghìn tỷ đồng
- Nhận định thị trường chứng khoán ngày 11/4: Cảnh giác với áp lực chốt lời sau “bữa tiệc tím”
- Tin nhanh chứng khoán ngày 10/4: VN Index lập kỷ lục tăng mạnh nhất lịch sử sau tin hoãn thuế từ Mỹ
- Nhận định thị trường chứng khoán ngày 10/4: Kỳ vọng thị trường ổn định trở lại