Chứng khoán MB: Dư nợ margin tăng nghìn tỷ nhưng hụt thu từ lãi cho vay

09:07 | 16/10/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Lãi sau thuế 9 tháng đầu năm tại Chứng khoán MB đạt 411 tỷ đồng, giảm nhẹ 7% so với cùng kỳ 2022. Đặc biệt, dư nợ cho vay margin tính đến cuối quý III/2023 tăng tới 82% so với đầu năm song lãi cho vay lại quay đầu giảm mạnh. Hơn nữa, Công ty chứng khoán này đang có hơn 7.200 tỷ đồng nợ vay.
Lợi nhuận MBS trong 6 tháng giảm 24%Lợi nhuận MBS trong 6 tháng giảm 24%

Lợi nhuận giảm, dư nợ magrin tỷ lệ nghịch với lãi cho vay

Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (mã MBS) đã công bố BCTC quý III/2023, ghi nhận doanh thu hoạt động trong quý III đạt 539 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Trong đó đáng chú ý là doanh thu môi giới tăng trưởng 42% lên 214 tỷ đồng, đóng góp nhiều nhất vào tổng doanh thu; lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) đạt 50 tỷ đồng, tăng 78%.

Ngược lại, lãi từ tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVPTL) giảm 18%, lùi về 26 tỷ đồng. Lãi từ cho vay và phải thu giảm nhẹ 2%, đạt 185 tỷ đồng.

Các khoản chi phí hoạt động cũng tăng 14% lên mức 173 tỷ đồng, trong đó chi phí môi giới chiếm 151 tỷ đồng (tăng 24%). Kết quả, MBS báo lãi sau thuế quý III/2023 đạt 166 tỷ đồng, tăng 37% so với quý II/20222.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu hoạt động của chứng khoán MB giảm 18% so với cùng kỳ, xuống còn 1.276 tỷ đồng. Lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt đạt 515 tỷ đồng và 411 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2022.

Năm 2023, Chứng khoán MB đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 2.700 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 900 tỷ đồng. So với kế hoạch, công ty đã hoàn thành khoảng 57% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Tính tới ngày 30/09/2023, quy mô tài sản của Chứng khoán MB đạt 12.406 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm.

Đáng chú ý, dư nợ cho vay margin tính đến cuối quý III/2023 đạt 6.367 tỷ đồng, tăng tới 82% so với đầu năm, tương đương tăng thêm 2.873 tỷ đống sau 9 tháng. Ngược lại, lãi từ cho vay và phải thu 9 tháng đầu năm 2023 tại Chứng khoán MB giảm tới 25% so với cùng kỳ 2022, xuống còn 445 tỷ đồng.

Chứng khoán MB: Dư nợ margin tăng nghìn tỷ nhưng hụt thu từ lãi cho vay
Nguồn: BCTC quý III/2023 tại Chứng khoán MBhttps://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Nhìn lại dữ liệu quá khứ tại Chứng khoán MB nói riêng và các công ty chứng khoán nói chung, lãi từ cho vay và phải thu thường tỷ lệ thuận với dư nợ margin. Vì vậy, trường hợp tại MBS khá bất ngờ khi dư nợ cho vay đã tăng trở lại nhưng lãi từ cho vay và phải thu lại giảm mạnh. Điều này phần nào cho thấy, giai đoạn thị trường bùng nổ nhất đã qua và nguồn thu từ lãi cho vay cũng không còn dồi dào như trước.

Chứng khoán MB: Dư nợ margin tăng nghìn tỷ nhưng hụt thu từ lãi cho vay

Cho vay margin cũng mang lại không ít rủi ro. Nếu thị giá cổ phiếu niêm yết trên thị trường sụt giảm sâu do tác động từ thông tin tiêu cực thì nhà đầu tư có nguy cơ thua lỗ lớn, nếu sử dụng margin với tỷ lệ là 50% thì mức lỗ sẽ cao hơn nhiều lần so với việc không vay.

Công ty chứng khoán có thể gặp rủi ro tín dụng khi không thu được nợ hoặc khách hàng không thực hiện nghĩa vụ nợ theo hợp đồng; rủi ro thanh toán khi công ty bị thiếu hụt số dư tiền hay chứng khoán trên tài khoản để thanh toán cho các giao dịch trong ngày.

Tại danh mục tự doanh, tính đến cuối quý III/2023, giá trị tài sản tài chính thông qua lãi lỗ (FVTPL) giảm 56% so với đầu năm về 1.137 tỷ đồng. Khoản tự doanh bao gồm các cổ phiếu như ACB, SSI, DIG, CTG, VCG, VND…, 810 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi, 97 tỷ đồng chứng chỉ quỹ và hơn 200 tỷ đồng trái phiếu.

Bên cạnh đó, Chứng khoán MB còn sở hữu giá trị khoản đầu tư sẵn sàng để bán (AFS) đạt 1.764 tỷ đồng và khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) 1.839 tỷ đồng, tăng lần lượt 26% và 14% so với đầu năm. Khoản AFS bao gồm 118 tỷ đồng cổ phiếu của các đơn vị Cảng Tân Cảng Hiệp Phước, Công nghệ Năng lược Dầu khí, Chế biến Thủy sản Út Xi, Công nghiệp Cao su COECCO, Viet Lotus… và 1.331 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết.

Nợ vay tại Chứng khoán MB chiếm tới 97% nợ phải trả

Phía nguồn vốn, nợ phải trả tại MBS tính đến cuối quý III/2023 ghi nhận hơn 7.540 tỷ đồng, tăng 22% so với đầu năm. Trong đó, chủ yếu là nợ phải trả ngắn hạn ghi nhận 7.539 tỷ đồng, tăng 30%.

Về nợ vay, tính đến cuối quý III/2023, Chứng khoán MB ghi nhận hơn 7.286 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn, tăng 34% so với đầu năm, chiếm tới 97% nợ phải trả.

Chứng khoán MB: Dư nợ margin tăng nghìn tỷ nhưng hụt thu từ lãi cho vay
Chi tiết nợ vay tại Chứng khoán MB (nguồn: BCTC quý III/2023)/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Hiện công ty chứng khoán này đang vay nhiều nhất tại ngân hàng Vietcombank 630 tỷ đồng, tiếp đến là ngân hàng VIB 600 tỷ đồng. Ngoài ra còn vay nhiều nhà băng và công ty tài chính khác như TPBank 400 tỷ đồng; ngân hàng Indovia 300 tỷ đồng; VietCredit 100 tỷ đồng;…

Các khoản vay ngắn hạn ngân hàng có thời hạn từ 1 tháng đến 12 tháng với lãi suất từ 2,9% đến 8,7%/năm cho mục đích bổ sung vốn lưu động.

Ngoài ra, Chứng khoán MB còn vay ngắn hạn các đối tượng khác 2.656 tỷ đồng, tăng 43% so với đầu năm. Đây là các khoản vay ngắn hạn của các cá nhân, các tổ chức kinh tế thông qua hợp đồng vay tài sản có thời hạn từ 1 đến 6 tháng với lãi suất 3% đến 9,6%. Đáng nói, tại ngày 30/9/2023 và 31/12/2022 các khoản vay này đều không có tài sản đảm bảo.

Chứng khoán MB được thành lập từ tháng 5/2000 bởi Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) với tên gọi tiền thân là Công ty CP chứng khoán Thăng Long, Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) là một trong 6 công ty chứng khoán đầu tiên tại Việt Nam.

Tính đến 30/6/2023, tỷ lệ sở hữu của ngân hàng MB tại công ty chứng khoán này là 79,73%.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng - Lê Thanh