Chú trọng xây dựng thành phố phát triển theo đúng quy hoạch

10:05 | 08/10/2019

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Xác định công tác quy hoạch là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế-xã hội để tiến tới xây dựng Thủ đô sáng-xanh-sạch-đẹp, trong thời gian qua, Thành phố Hà Nội đã chú trọng triển khai, trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ như: lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chung nhằm mục tiêu phủ kín 100% diện tích, đến nay, tỷ lệ đã đạt 86%.
Chú trọng xây dựng thành phố phát triển theo đúng quy hoạch

Thành phố đã xây dựng, ban hành và triển khai các văn bản quy phạm pháp luật liên quan phù hợp với thực tiễn như: Quy định về việc cấp giấy phép quy hoạch, quy định về lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, đồ án và quản lý theo đồ án quy hoạch đô thị trên địa bàn thành phố; quy định về cắm mốc giới và quản lý mốc giới theo quy hoạch; quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc chung thành phố; quy chế quản lý Khu phố cổ, phố cũ; quy chế quản lý công trình cao tầng đã được ban hành là công cụ, hành lang pháp lý để quản lý, kiểm soát quy hoạch phát triển đô thị theo định hướng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô;...

Thành phố chú trọng phát triển mạnh hạ tầng kỹ thuật và không gian đô thị. Nhiều tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, cầu được đầu tư, từng bước hình thành hệ thống giao thông đồng bộ, khép kín. Các công trình hạ tầng giao thông được xây dựng, nâng tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông tăng 0,3% đất đô thị mỗi năm giai đoạn 2016-2018, trong đó năm 2015 đạt 8,65% và năm 2018 đạt 9,38%, dự kiến đạt khoảng 12% đất đô thị đến năm 2020.

Nhiều dự án khu đô thị mới văn minh, hiện đại đã và đang được xây dựng như: An Khánh, Mỹ Đình, Văn Quán, Mỗ Lao, VinCity Sportia về phía Tây; Việt Hưng, VinHome River Side, VinCity OceanPark về phía Đông; Linh Đàm, Garmuda về phía Nam; Ciputra ở phía Bắc; cùng với các khu đô thị mới trong vành đai 3 như Royal City, Times City, Trung Hòa Nhân Chính đã tạo nên không gian đô thị, diện mạo mới cho Thủ đô.

Cùng với đó, thành phố đẩy mạnh việc phát triển nhà ở, cải tạo chung cư cũ; từng bước cụ thể hóa Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2012-2020 và định hướng đến năm 2030. Kết quả, diện tích nhà ờ bình quân năm 2019 đạt 26,1m2/người, dự kiến đến năm 2020 là 26,3m2/người. Đã thực hiện thành công cải tạo, xây dựng lại môt số khu chung cư cũ (Kim Liên, Giảng Võ), đang tổ chức triển khai lập quy hoạch cải tạo 29 khu chung cu cũ đồng thời đề xuất các cơ chế, chính sách để thực hiện, đã có 16 nhà đầu tư đang đề xuất ý tưởng quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với các khu chung cư cũ. Tỷ lệ đô thị hóa năm 2018 đạt 49,2%; đang chuẩn bị các điểu kiện để thành lập các quận mới (từ các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng), tỷ lệ đô thị hóa dự kiến đạt trên 60%.

Tổ chức nghiên cứu một số các quy hoạch đặc thù như: Quy hoạch chung không gian ngầm; quy hoạch mạng lưới hệ thống không gian gara ngầm trên địa bàn 4 quận nội thành (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa); quy hoạch chi tiết bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại Làng dệt lụa Vạn Phúc và Làng gốm sứ Bát Tràng; quy hoạch phân khu Ga Hà Nội và khu vực phụ cận.

Công tác chỉnh trang, nâng cấp đô thị được triển khai từng bước đồng bộ. Nhiều vườn hoa, công viên được cải tạo, xây mới, các tuyến phố được chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Hoàn thành và triển khai các dự án mới, hoàn thành Chương trình trồng một triệu cây xanh trước 02 năm, thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường các hồ. Đầu tư chiều sâu hệ thống chiếu sáng, trang trí đô thị. Triển khai ứng dụng bản đồ số GIS và điều khiển từ Trung tần số đảm bảo tỷ lệ chiếu sáng tối thiểu từ 95-98%. Từng bước ngầm hóa các đường dây đi nổi, kết hợp chỉnh trang đồng bộ hạ tầng đô thị.

Thành phố cũng đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển khu vực nông thôn, nhất là địa bàn mở rộng. Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) được thực hiện quyết liệt và đạt kết quả rõ nét. Năm 2018, đã có 04 huyện được công nhận “Huyện nông thôn mới”, đồng thời, có thêm 03 huyện Quốc Oai, Gia Lâm, Phúc Thọ cơ bản hoàn thành chỉ tiêu; có 325 xã đạt chuẩn NTM, tỷ lệ đạt 83,9%, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch trước 02 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI. Dự kiến, trong năm 2019, các huyện Thạch Thất, Sóc Sơn, Chương Mỹ và thị xã Sơn Tây sẽ hoàn thành các tiêu chí NTM. Dự kiến, đến năm 2020, 100% xã đạt chuẩn NTM.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, công tác quy hoạch cũng còn những hạn chế nhất định, tuy có bước đột phá nhưng việc tổ chức thực hiện và giám sát chưa thực sự chặt chẽ. Quy hoạch phân khu chưa được phủ kín; quy hoạch phân khu khu vục nội đô lịch sử, quy hoạch phân khu sông Hồng chưa được duyệt dẫn đến nhiều khó khăn trong quá trình quản lý. Chất lượng một số đồ án quy hoạch còn chưa cao, chưa phù hợp với thực tiễn dẫn đến phải điều chỉnh trong quá trình lập dự án đầu tư. Công tác điều chỉnh cục bộ quy hoạch, lấy ý kiến của cộng đồng dân cư một số quy hoạch, dự án chưa thực sự nhận được đồng thuận từ nhân dân, dẫn đến khó khăn trong thực hiện. Triển khai tổ chức thực hiện quy hoạch, rà soát quy hoạch đối với những quy hoạch không còn phù hợp, không khả thi còn chưa đáp ứng được tiến độ.

Ngoài ra, thành phố cũng chưa đạt điều nhiều tiến triển trong xây dựng Thủ đô thành một tổng thể đa trung tâm, có cấu trúc hoàn chỉnh, hiện đại. Việc triển khai mô hình, cấu trúc đô thị, nhất là phát triển 05 đô thị vệ tinh (Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn) còn chậm; chưa hình thành được các đô thị, vùng chức năng gắn với vùng cảnh quan/di tích tập trung (Ba Vì, Suối Hai, Huơng Sơn, Cổ Loa...); Mức độ tập trung công nghiệp tại các đô thị vệ tinh còn hạn chế...

Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục tăng cường nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, bảo vệ môi trường. Tập trung hoàn thành thẩm định, trình phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu đô thị, các đồ án quy hoạch chi tiết trọng điểm và quy hoạch cải tạo gồm Quy hoạch chi tiết bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lich tại làng lụa Vạn Phúc, Quy hoạch chi tiết bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng gốm sứ Bát Tràng, xây dựng lại các khu chung cư cũ,… Tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo trật tự xây dựng, không để phát sinh vi phạm mới về xây dựng; đồng thời giải quyết dứt điểm các vi phạm trật tự xây dựng đã phát hiện, nhất là những vi phạm lớn, dư luận xã hội quan tâm, tiến tới công tác xây dựng được triển khai đúng theo các quy hoạch đã được duyệt.

https://batdongsan.petrotimes.vn/

Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội