Tiến tới kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2021)

Bến Tre tiên phong mở đường, mở bến tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển

14:15 | 13/10/2021

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, tỉnh đã có kế hoạch tập trung tuyên truyền sâu, rộng những chiến công và thành tích vẻ vang của các lực lượng cách mạng trên đường Hồ Chí Minh trên biển; tôn vinh và tri ân công lao, đóng góp to lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tổ chức dâng hương, dâng hoa tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam, đường Hồ Chí Minh trên biển tại Cồn Bửng, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú; hội thảo khoa học cấp tỉnh kỷ niệm 75 năm Ngày mở đường từ Bến Tre ra Bắc (1946) và 60 năm mở đường Hồ Chí Minh trên biển.
Bến Tre tiên phong mở đường, mở bến tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển
Cựu thanh niên xung phong Trung ương về thăm lại Công viên nghĩa trang - Đường Hồ Chí Minh trên biển, tại xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tháng 4/2021. (ảnh tư liệu)/https://dulich.petrotimes.vn

Chuyến hàng quân sự đầu tiên từ miền Bắc về Bến Tre

Theo nguyên Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo, trong kháng chiến chống Pháp cũng từ vùng biển xã Thạnh Hải, đầu năm 1946, theo sự chỉ đạo của Khu ủy, Tỉnh ủy Bến Tre đã tổ chức thành công chuyến vượt biển đầu tiên, đưa đoàn cán bộ Khu 8 ra Bắc gồm các đồng chí Nguyễn Thị Định, Ca Văn Thỉnh, Trần Hữu Nghiệp, Đào Văn Trường - Tư lệnh Khu 8 để báo cáo với Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình hình kháng chiến ở Nam Bộ; đồng thời, xin chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam và Bến Tre.

Đến giữa năm 1946, Trung ương cử đồng chí Nguyễn Thị Định làm thuyền trưởng chỉ huy con tàu không số đã vượt trùng dương mang chuyến hàng quân sự đầu tiên từ miền Bắc về Bến Tre giao cho Quân khu 8 vào giữa tháng 12/1946. Tuy chưa có tư liệu về lịch sử khẳng định chính chuyến vượt biển đó góp phần hình thành cơ sở để Trung ương quyết định chủ trương mở đường Hồ Chí Minh trên biển trong những năm sau này, nhưng chuyến đi đó đã mở ra con đường vận chuyển, tiếp tế vũ khí của Trung ương từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Đó là một sự kiện đáng tự hào thể hiện ý chí kiên cường, tinh thần sáng tạo của Đảng bộ, quân và dân Bến Tre. Một sự kiện mang tính đột phá chiến lược mở ra con đường vận chuyển, tiếp tế vũ khí từ Bắc vào Nam trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp.

Từ thành công và kinh nghiệm của chuyến vượt biển năm 1946, sau khi tiếp nhận được sự chỉ đạo của trên mở ra con đường vận chuyển, tiếp tế vũ khí từ Bắc vào Nam, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre và Ban Quân sự tỉnh đã gấp rút triển khai, quán triệt sâu sắc nhiệm vụ trên. Trong khoảng thời gian ngắn, đã tuyển chọn được lực lượng, chuẩn bị phương tiện để tổ chức thành công hai thuyền ra Bắc trong năm 1961. Cùng với những chuyến vượt biển thành công của các tỉnh là một trong những cơ sở quan trọng để Trung ương quyết định thành lập đoàn vận tải tiếp tế vũ khí cho chiến trường miền Nam.

Ngày 23/10/1961, Bộ Tư lệnh ra quyết định thành lập Đoàn 759 - Đoàn vận tải thủy với nhiệm vụ mua sắm phương tiện, vận chuyển tiếp tế cho chiến trường miền Nam bằng đường biển. Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, mở ra bước phát triển mới cho tuyến đường vận tải chiến lược trên biển. Từ đó, ngày 23/10 trở thành ngày truyền thống của Đoàn 759, Lữ đoàn 125 Hải quân ngày nay, đồng thời là ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển.

Đường Hồ Chí Minh trên biển

Tháng 8/1962, Quân ủy Trung ương thông qua nghị quyết mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Để triển khai nghị quyết đó, ngày 19/9/1962, Quân ủy miền quyết định xây dựng một đơn vị tương đương cấp sư đoàn, lấy phiên hiệu Đoàn 962, có nhiệm vụ xây dựng các bến bãi ven biển miền Nam, tiếp nhận hàng hóa, cất giấu vũ khí. Đoàn 962 được bố trí ở các tỉnh, Bến Tre được chọn làm nơi đứng chân, trong đó có một đơn vị bến tương đương cấp trung đoàn, phiên hiệu A101.

Tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển thì có nhiều tại một số tỉnh nhưng Bến Tre là một đặc thù riêng, là vị trí chủ yếu đứng chân của Ban Chỉ huy Đoàn 962, lãnh đạo điều hành mọi hoạt động của đơn vị từ Cà Mau đến Bà Rịa. Nơi đây vừa là bến tiếp nhận vừa là trạm trung chuyển, đồng thời là nhiệm vụ đầu mối cấp phát trang bị lực lượng chiến đấu của Quân khu 8 và tỉnh Bến Tre.

Với thời gian 15 năm, không gian trải rộng từ ven biển Cà Mau đến Bà Rịa, trên đất bạn Campuchia về sâu lãnh thổ Việt Nam đến Bến Tre, bến A101 đã tiếp nhận hàng chục chuyến tàu cặp bến an toàn và hàng trăm lực lượng trung chuyển vũ khí từ các bến ra chiến trường. Có thể khẳng định rằng, trong sự đóng góp to lớn đó vào thành tích chung của đường Hồ Chí Minh trên biển phải kể đến sự cống hiến không nhỏ về mọi mặt của Đảng bộ và nhân dân Bến Tre.

Quê hương Bến Tre đã sản sinh, nuôi dưỡng và cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với nhiều tập thể, cá nhân anh hùng, trong đó có cán bộ, chiến sĩ A101 là minh chứng. Đó là những tấm gương dũng cảm, kiên trung, mưu trí, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ. Cũng có nhiều đồng chí đã hy sinh ngoài biển khơi, trên khắp mọi miền của đất nước. Những chiến công oanh liệt của A101 Đoàn 962 mãi mãi là trang sử chói lọi, khẳng định công lao to lớn của cán bộ, chiến sĩ, trong đó có cán bộ, chiến sĩ Bến Tre.

https://dulich.petrotimes.vn

Báo Đồng Khởi