Bài 1: "Từng hẹn mùa xưa cùng xây nhà bên suối…"
Một farmstay để chữa lành tâm hồn. |
Mấy năm trước, chị Hoàng Thị Thúy (công chức tại một bộ) cùng chồng (chủ một doanh nghiệp về công nghệ) bán được lô đất tại quận Long Biên (Hà Nội) do bố mẹ chồng để lại. Vốn đang ở một chung cư cũ rộng tầm 60m2 (đã cơi nới) hai vợ chồng tính dùng số tiền bán đất để đổi sang một căn chung cư cao cấp rộng rãi hơn, hoặc mua một căn nhà ống chừng 50-60m2 ở trung tâm thành phố. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bùng phát đã khiến dự định trên không thành.
Sự ngột ngạt bức bách khi nhiều ngày nhiều tháng phải quanh quẩn trong cái “tổ dế" ở chung cư khiến chị Thuý muốn “phát rồ". Cùng lúc một số người bạn rủ rê chị mua đất xây homestay tại một số huyện ngoại thành Hà Nội như Đông Anh, Sóc Sơn, Ba Vì hay thậm chí lên tận Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái...
Viễn cảnh được sống “điền viên" tại một căn nhà lọt thỏm trong vườn cây mát mẻ, có hồ, sông suối bao quanh; lại được ăn rau nhà gà đồi lợn mán… khiến chị Thúy sướng mê tơi. Đã thế, chị sẽ không còn phải chịu cảnh kẹt xe mỗi ngày, tâm hồn sẽ được chữa lành bởi thiên nhiên nơi thôn dã...
Bài toán kinh tế cũng được vẽ ra đầy mộng mơ, rằng ngoài một căn nhà lớn có đủ tiện nghi để cả gia đình quây quần, thì sẽ dựng khoảng chục căn nhà khác để cho khách du lịch thuê theo ngày. Chỉ khoảng 3-5 năm là có thể thu hồi vốn. Những rào cản trong công việc của bố mẹ hay học hành của con cái cũng nhanh chóng được xóa nhòa bằng “work from home”, “online learning” (làm việc tại nhà, học trực tuyến). Và sau vài ngày cả nhà được sống tại homestay của một người bạn, chị Thúy đã quyết bỏ phố về rừng, mặc cho người chồng và bố mẹ hai bên ngăn cản.
Số tiền bán đất, cộng với tiền dành dụm bao năm của hai vợ chồng được huy động để mua gần 3000m2 đất, trong đó có khoảng 200m2 đất thổ cư tại huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Việc xây nhà ở, xây bungalow, làm khuôn viên cây xanh, bể bơi… cũng nhanh chóng được tiến hành.
Sau niềm hân hoan khi mở homestay, thì chủ nhân phải đối mặt với nhiều vấn đề... (ảnh minh họa). |
Sau khoảng một năm khu homestay cũng xây dựng xong. Trái với dự toán ban đầu số tiền cần phải chi cho việc tiếp tục hoàn thiện các hạng mục khiến chị Thuý phải đi vay mượn khắp nơi. Dù vậy, khi homestay khai trương, chị Thuý đã mời “cả họ” lên hưởng khí trời, ẩm thực núi rừng…
Rồi đến lượt bạn bè, các đồng nghiệp ở hai cơ quan của vợ chồng cũng lần lượt có mặt, lấp đầy những căn phòng còn mùi sơn mới. Và cho dù còn lâu mới thu hồi được vốn, song ba tháng khai trương homestay có thể nói là những ngày tháng hạnh phúc nhất trong đời chị Thuý. Chị cảm thấy mình sắp trở thành một nhà đầu tư “siêu việt", một người mẹ mẫu mực quả cảm, đã bỏ lại sau lưng nơi phồn hoa đô hội để xây dựng được một môi trường mới cho các con.
Khác với chị Thúy, trường hợp chị Lan anh Đức (chủ một đại lý sữa tại Hà Nội) vốn là cặp đôi "rổ rá cạp lại". Nhu cầu có một farmstay cách xa "cái bọn nhức đầu" - là chồng cũ, vợ cũ của cả hai - càng trở nên bức thiết hơn. Cũng bởi cách đây hơn chục năm, khi còn là sinh viên hai anh chị từng có một mối tình nồng thắm. Tính lãng mạn, yêu văn thơ cả hai cùng chung ước muốn về một căn nhà bên bờ suối. Do một hiểu nhầm mà vừa ra trường thì tình duyên tan vỡ, đường ai nấy đi.
Gặp nhau sau hơn chục năm, khi mà cả hai đều đã "qua một lần đò" thì tình cảm cũng như ước hẹn năm xưa bùng lên, họ quyết tâm tìm về với thiên nhiên, về với miền đồng quê thôn dã - cũng là tìm nơi chữa lành những tâm hồn đã rạn vỡ.
Bán sạch tài sản sau các cuộc ly hôn, hai anh chị còn vay mượn thêm đôi bên gia đình nhiều tỷ đồng để mua cả hecta đất trên tận huyện Văn Chấn (Yên Bái) để làm farmstay. Họ cũng nhanh chóng được thoả ước nguyện, với những bungalow có dòng suối uốn lượn chảy quanh. Ngày ngày họ trồng hoa, nuôi chim công, nuôi bồ câu... và cảm thấy đang được... "sống một cuộc đời khác" - trừ việc khoản tiền vay ngân hàng tháng nào cũng khiến hai vợ chồng "điên cái đầu"...
(Còn nữa)
Minh Khang