Xót xa lãng phí đất, tài sản công:

Bài 1: Điểm danh những khu “đất vàng" ở Hà Nội nhưng thất thu

16:45 | 24/04/2024

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Câu chuyện lãng phí đất công không chỉ xảy ra ở các thành phố lớn mà còn diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước. Tình trạng này đã gây thất thoát, lãng phí tài nguyên và nguồn lực lớn của xã hội, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Theo số liệu của Đoàn giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021" của Quốc hội, cả nước có trên 33.000 công sản bị sử dụng sai mục đích với giá trị cả triệu tỷ đồng… Đây là nguồn lực cần được quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả nhằm tránh nhưng tiêu cực phát sinh dẫn đến sự thất thoát tài sản của Nhà nước và nguy cơ xảy ra tham nhũng trong quản lý đất đai, tài sản công.

Yếu kém trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng quỹ nhà đất công khiến nhiều vị trí nhà đất "vàng" không thể mang lại nguồn thu ngân sách cho nhà nước.

Đơn cử như Hà Nội, theo tìm hiểu, tính đến hết năm 2022, 1.200 tỷ đồng là số tiền các đơn vị thuê nhà đất công, nhà chuyên dùng của TP Hà Nội đang nợ đọng, chưa nộp vào ngân sách trong nhiều năm qua. Không chỉ nợ tiền thuê nhà đất công sản, hàng loạt cơ sở nhà đất công thuộc quỹ nhà chuyên dùng còn bị sử dụng sai quy định, sai mục đích, thậm chí bị chiếm dụng hay lãng phí hơn đó là bỏ hoang.

Trong khi đó, người dân đang rất thiếu những không gian công cộng, hoặc các thiết chế văn hóa nhưng nhà đất công lại bị cho thuê để làm quán bar - vũ trường, nhà hàng, quán rượu…. Tình trạng này không chỉ gây thất thoát, lãng phí tài nguyên và nguồn lực xã hội, mà còn ảnh hưởng đến an ninh trật tự, cảnh quan môi trường, khiến người dân bức xúc…

Theo tìm hiểu của nhóm phóng viên PetroTimes, trên địa bàn Hà Nội hiện có hàng loạt khu đất đang nằm trong dự án quy hoạch công viên, bến xe … khu đất của cơ quan nhà nước quản lý nhưng đang bị cho thuê, lấn chiếm một cách không kiểm soát.

Bài 1:  Điểm danh những khu “đất vàng
Một góc đất quy hoạch làm Tổ hợp ga Ngọc Hồi bị sử dụng sai mục đích.

Cụ thể, tại khu vực khoại thành, hơn một trăm hec-ta đất quy hoạch làm Tổ hợp ga Ngọc Hồi đang được nhiều cá nhân sử dụng vào các mục đích khác nhau như: tập kết máy móc công trình một số vị trí đã mọc lên các nhà xưởng, gara sửa chữa ô tô, kho bãi trái phép…

Còn ở nội thành, có những khu đất rất lớn được quy hoạch là công viên khu vực, đã có quy hoạch chi tiết 1/500 như công viên Núi Cung ở phường Liễu Giai, quận Ba Đình, nhưng nhiều năm nay thành phố Hà Nội vẫn không đầu tư xây dựng, và dân cư cứ lấn chiếm dần, ngang nhiên có các xưởng sản xuất ngay mặt đường, cửa hàng, nhà ở mọc ngày một nhiều, họ tự lấp hồ, làm đường lấn dần…

Bài 1:  Điểm danh những khu “đất vàng
Quy hoạch công viên Núi Cung và thực trạng.

Do những hạn chế trong công tác khai thác, sử dụng, quỹ nhà, đất công tại Thủ đô, nên nhiều vị trí “vàng” lại chưa thể mang lại cho ngân sách thành phố những “quả trứng vàng”.

Theo tìm hiểu, Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đang quản lý 803 địa điểm nhà chuyên dùng. Đáng nói là trong tổng số 803 nhà chuyên dùng, có tới 357 địa điểm có vi phạm. Trong số đó, phải kể đến như điểm nhà chuyên dùng 281 phố Đội Cấn (quận Ba Đình) cho Công ty cổ phần Du lịch và Xúc tiến đầu tư thuê hơn 9.000m2, và bị đơn vị này biến tướng thành nhà xưởng cấp 4, cho các tổ chức, cá nhân khác thuê lại làm các dịch vụ kinh doanh…

Nhà chuyên dùng tại số 43 ngõ Văn Hương, quận Đống Đa do Công ty CP Cao-su Hà Nội đứng tên thuê nhà, nhưng hiện là nơi sinh sống của ba hộ dân...

Công ty TNHH một thành viên Điện ảnh Hà Nội được thành phố cho thuê đất tại ba địa điểm và hai cơ sở nhà đất, đều nằm ở vị trí mặt đường các tuyến phố lớn trong nội thành, có giá trị kinh tế rất cao, nhưng hoạt động kinh doanh không hiệu quả, nợ thành phố hơn 70 tỷ đồng tiền thuê nhà, đất.

Cá biệt, có những khu đất nằm ngay mặt đường lớn có giá trị thương mại cao nhưng lại cho thuê trái mục đích để làm quán karaoke, nhà hàng, trung tâm điện máy, ví dụ như: Rạp chiếu bóng 437 Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng đang cho Loteria thuê để kinh doanh đồ ăn nhanh; Rạp chiếu phim 211 Khâm Thiên (quận Đống Đa) cho Điện máy xanh thuê lại… nhưng đến nay lại để không?!

Bài 1:  Điểm danh những khu “đất vàng
Khu đất Rạp chiếu phim tại 211 Khâm Thiên cho Điện máy xanh thuê lại nhưng giờ lại để không.

Ngoài ra, có tới 66 điểm trong quỹ nhà chuyên dùng của Hà Nội đang để trống, chưa được khai thác, sử dụng, gây lãng phí nguồn lực. Đơn cử, nhà số 37 phố Hàng Khay, ngay trung tâm quận Hoàn Kiếm bỏ trống từ lâu nhưng chưa được đấu giá. Biệt thự số 17 phố Điện Biên Phủ (quận Ba Đình) có diện tích 451m2, vị trí đắc địa cũng bị bỏ không từ năm 2019 nay đã xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn nguồn tài sản của Nhà nước...

Câu chuyện trên chỉ là một trong rất nhiều những tiêu cực trong công tác quản lý nhà đất công tại TP Hà Nội. Nhìn rộng ra có thể thấy, những sai phạm trong lĩnh vực quản lý tài sản nhà đất công chủ yếu vẫn là cho thuê lại với giá rẻ so với thị trường, liên doanh liên kết, cải tạo lại, cơi nới, xây dựng thêm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, cá biệt có những đơn vị thuê nhiều năm nhưng lại “chây ì” tiền thuê đất…Tình trạng này để xảy ra nhiều năm, gây lãng phí tài nguyên, thất thu hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.

Người dân không khỏi xót xa khi nhiều địa điểm nhà đất có vị trí, lợi thế thương mại giá trị cao lại không được đưa vào khai thác sử dụng, không kinh doanh khai thác (trong đó có nhiều địa điểm nhà riêng lẻ và nhiều địa điểm thuộc diện tích kinh doanh dịch vụ tầng 1 tại các toà nhà chung cư tái định cư), gây lãng phí tài nguyên và nguồn lực xã hội.

Các địa điểm nhà chuyên dùng, nhà ở thuộc sở hữu nhà nước bị bỏ trống trong thời gian dài dẫn đến nhiều công trình nhà xuống cấp, hư hỏng, nguy hiểm. Điều này cho thấy việc điều tiết, trách nhiệm quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước và việc khai thác, kinh doanh của Công ty Quản lý nhà chưa hiệu quả, gây lãng phí tài sản nhà nước.

Đáng chú ý, số nợ tiền thuê nhà phải thu về ngân sách nhà nước lớn và có chiều hướng tăng nhanh. Nhiều địa điểm, diện tích không thu được tiền cho thuê nhà, đất. HĐND thành phố Hà Nội dẫn báo cáo của Sở Xây dựng cho biết, đối với quỹ nhà chuyên dùng, số nợ phải thu đến thời điểm hiện tại là hơn 415 tỷ đồng. Với diện tích kinh doanh tầng 1 toà chung cư tái định cư, số nợ còn phải thu là hơn 70 tỷ đồng, trong đó nợ khó đòi hơn 39 tỷ đồng…

Nhiều chế tài xử phạt vi phạm quản lý tài sản công

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 63/2019, Nghị định số 102/2021 quy định cụ thể về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức phạt, thẩm quyền xử phạt và trách nhiệm tổ chức thi hành đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công. Đối với tài sản được sử dụng không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức; sử dụng sai mục đích, cho mượn; chuyển nhượng, bán, tặng cho, góp vốn, sử dụng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự không đúng quy định; sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định thì sẽ bị thu hồi.

Huy Tùng

vietinbank
thaco