Về Bạc Liêu ghé thăm nhà "Công tử Bạc Liêu"

14:47 | 10/04/2019

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Hầu hết du khách đều đến từ các tỉnh ở xa Bạc Liêu, nhiều người đến lần đầu tiên, có người dù đã đến mấy lần nhưng mỗi khi về Bạc Liêu cũng luôn ghé qua khu nhà “một thời vang bóng” này.

Công tử Bạc Liêu, tên thật là Trần Trinh Huy (1900 - 1973), còn có tên khác là Ba Huy, vốn là một tay ăn chơi nổi tiếng ở Sài Gòn và miền Nam những năm 1930 - 1940. Nếu không có tấm bảng “Nhà công tử Bạc Liêu” thì du khách sẽ lướt ngang qua mặc dù ngôi nhà rất dễ tìm.

Ngôi nhà có kiến trúc Pháp cổ nằm ở số 13 Điện Biên Phủ. Quả thật đây là một vị trí đẹp trong lòng thành phố, đối diện nhà là công viên và con sông Bạc Liêu đang mải mê trôi nước ra biển cả.

ve bac lieu ghe tham nha cong tu bac lieu
Nhà " Công tử Bạc Liêu"

Ngôi nhà xây dựng vào năm 1919 song đến nay vẫn không bị lỗi thời dù đã trải qua trăm năm. Nhà do ông Trần Trinh Trạch, tức Hội đồng Trạch, cha Công tử Bạc Liêu xây khi công tử mới 19 tuổi. Ông Trạch có 7 người con, 4 gái, 3 trai. Trong 3 người con trai, Trần Trinh Huy nổi tiếng ăn chơi và mê gái.

Bên trong, chúng tôi bắt gặp một người đàn ông đang ngồi, tấm bảng ghi rõ là ông Trần Trinh Đức, con trai Công tử Bạc Liêu. Ông Đức đã trên 60 tuổi, nghe đồn ông ở Sài Gòn làm nghề xe ôm, sau đó mời về để ngồi ngay chỗ mà chúng tôi thấy, giống như một nhân chứng sống.

Ngay cửa chính là chiếc ô tô, đây là chiếc xe Công tử Bạc Liêu đã lái. Nay chiếc xe được thắt dây đỏ, trở thành nơi chụp hình kỷ niệm.

ve bac lieu ghe tham nha cong tu bac lieu
Đây là một trong chiếc xe hạng sang được công tử Bạc Liêu dùng để đi chơi, lên Sài Gòn, ra Vũng Tàu hoặc vòng vào Đà Lạt. Chiếc xe là sản phẩm của thương hiệu Peugeot nổi tiếng, sản xuất năm 1922. Loại xe này cả miền Nam khi ấy chỉ có 2 chiếc, một chiếc của công tử Ba Huy, chiếc còn lại của Vua Bảo Đại.

Phòng khách bày chiếc tủ cẩn xà cừ rất đẹp, bộ bàn ghế tiếp khách cũng cẩn xà cừ, những chiếc bình, chum trà trang trí hình rồng đến đèn chùm, chiếc bàn bán nguyệt ép sát tường cho thấy rõ ngày đó chủ nhân rất giàu.

ve bac lieu ghe tham nha cong tu bac lieu
Bộ bàn ghế quý tộc

Cũng theo truyền thống dân Nam bộ, chiếc phản làm bằng gỗ quý dày tới 20cm kê sát cửa sổ để nghỉ ngơi giữa trưa. Dọc theo hành lang rất nhiều chiếc bình cổ quý giá.

Một chỗ khác có chiếc bàn xoay độc đáo để chiếc máy hát thời đó với chiếc loa để ngoài, một chiếc tivi đen trắng có khả năng bổ sung sau này.

ve bac lieu ghe tham nha cong tu bac lieu
Máy nghe nhạc Akai chỉ có những gia đình quyền quý, chức tước trong xã hội mới có.

Lên tầng hai, vào phòng ngủ gặp chiếc giường ngủ có khung viền xà cừ công phu giống như giường của vua, theo mọi người thì do thời đó chưa có quạt máy hay máy lạnh cho nên nằm trên chiếc giường như thế rất mát. Bàn trang điểm với chiếc kính bầu dục có khảm gỗ họa tiết công phu.

ve bac lieu ghe tham nha cong tu bac lieu
Chiếc giường ngủ của công tử Bạc Liêu dùng vào mùa nóng được lót 6 miếng đá cẩm thạch

Trên tường ngoài những tranh khảm, đồ đồng còn có chiếc nón cối màu vàng mà thuở sinh thời Công tử Bạc Liêu hay đội để đi thăm đồng, một chiếc đồng hồ quả lắc vẫn tiếp tục xoay vòng báo thời gian, mặc kệ năm tháng đi qua.

ve bac lieu ghe tham nha cong tu bac lieu
Chiếc đồng hồ quả lắc

Một nơi mọi người dừng lại lâu nhất là bàn thờ ông Trần Trinh Huy và bà vợ đầu. Người ta bảo không ai đếm được Công tử Bạc Liêu có bao nhiêu bà vợ nhưng người vợ đầu tiên là bà Ngô Thị Đen được cưới hỏi đàng hoàng, con của một ông bá hộ giàu có trong vùng.

ve bac lieu ghe tham nha cong tu bac lieu
Công tử Bạc Liêu và Bà Ngô Thị Đen

Theo cô hướng dẫn viên kể những huyền thoại về Công tử Bạc Liêu, với cả một núi tài sản do ông Trần Trinh Trạch để lại ước tính tương đương trên 5 tấn vàng nhưng do Công tử Trần Trinh Huy đã hoang phí cả cuộc đời nên khi ông lìa đời nó cũng vừa hết. Ngôi nhà hiện tại đã do chính quyền Sài Gòn quản lý từ năm 1973, dành cho các cố vấn Mỹ ở, sau làm tổng hành dinh của Sư đoàn 21. Nội thất trong nhà nghe nói đã thất lạc khá nhiều, một số sau này phải đi tìm mua lại. Sau ngày miền Nam giải phóng, dòng họ Trần còn lại một ít điền sản ở Cái Dầy, khoảng chục căn phố lầu ở Sài Gòn và vài ngôi nhà ở thị xã Bạc Liêu.

PV

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]