Trung Quốc sẽ dẫn dắt “xã hội hydro”?

06:30 | 23/08/2022

737 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Với những bước tiến triển nhanh chóng về sản xuất và sử dụng hydro, cùng mục tiêu “phủ” hydro xanh năm 2025, Trung Quốc được nhận định sẽ là quốc gia dẫn dắt “xã hội hydro”.
Trung Quốc sẽ dẫn dắt “xã hội hydro”?
Trung Quốc sẽ cần nhiều trạm tiếp nhiên liệu hơn nữa nếu các phương tiện chạy bằng hydro được sử dụng rộng rãi. Ảnh: FCW

Những người lạc quan về hydro cho rằng, vào năm 2050, hydro có thể chiếm tới 12% năng lượng sử dụng toàn cầu. Trong một “xã hội hydro”, H2 sẽ không chỉ cung cấp nhiên liệu cho các phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt và tàu thủy, mà còn giải quyết nhu cầu sưởi ấm tại nhà và nhu cầu điện của các ngành công nghiệp nặng như thép, hóa chất và xi măng.

Liên minh Hydrogen Trung Quốc cho biết nhu cầu hydro ở Trung Quốc sẽ tăng gấp 3 lần lên 60 triệu tấn vào năm 2050. Họ cũng dự kiến ​​sản xuất hydro dựa trên tái tạo sẽ đạt 100 triệu tấn vào năm 2060.

Trên lĩnh vực vận tải, cho đến nay, những tiến triển trên thế giới chưa thực sự đáng kể. Toyota và Hyundai là những nhà sản xuất ô tô duy nhất cung cấp ô tô chạy bằng nhiên liệu hydro trên thị trường quốc tế. Kể từ khi ra mắt vào năm 2014, Toyota Mirai chỉ bán được dưới 18.000 chiếc tính đến năm ngoái, chủ yếu ở Hoa Kỳ - khác xa so với xe điện (EV) với doanh số toàn cầu hơn 6 triệu chiếc vào năm 2021.

Trung Quốc sẽ dẫn dắt “xã hội hydro”?
Một chiếc xe buýt chạy bằng pin nhiên liệu hydro vào một trạm xe buýt ở Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc. Ảnh: Chinadaily

Trong khi đó, năng lượng hydro đã được phát triển ở Trung Quốc cho xe buýt, xe tải hạng nặng và xe điện chạy bằng pin nhiên liệu, với ít nhất một chục công ty đang tham gia cuộc cạnh tranh. Từ năm 2018, Trung Quốc đã đưa xe buýt chạy hydro vào hoạt động.

Tại Thế vận hội Mùa đông đầu năm nay, ngọn đuốc Olympic Bắc Kinh 2022 chạy bằng năng lượng hydro được thắp lên vào đầu tháng 2 và tiếp tục cháy trong suốt thời gian diễn ra thế vận hội. Một mô hình xanh ấn tượng khác là việc triển khai khoảng 1.000 chạy bằng pin nhiên liệu hydro tại Bắc Kinh và Trương Gia Khẩu (tỉnh Hà Bắc) với khoảng 30 trạm tiếp nhiên liệu hydro. Đây là bước nhảy vọt so với 3 xe tại Thế vận hội Bắc Kinh 2008 và 196 xe tại Hội chợ triển lãm Thế giới Thượng Hải 2010.

Trung Quốc được đánh giá cao để dẫn đầu “xã hội hydro” vì nhiều lý do. Trước hết, cho đến nay nước này vẫn là nhà sản xuất và tiêu thụ hydro hàng đầu thế giới, hầu hết cho các mục đích công nghiệp. Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Trung Quốc hiện là nhà sản xuất hydro lớn nhất với khoảng 33 triệu tấn/năm. Nước này cũng sản xuất gần một phần mười số máy điện giải trên thế giới và khoảng 35% thiết bị và linh kiện máy điện phân trên thế giới.

Tuy nhiên, dù đặt mục tiêu tăng cường sản xuất hydro, chính phủ Trung Quốc vẫn đang vật lộn với vấn đề biến màu “xám” thành “xanh lá cây”. Khoảng 80% sản lượng hydro cho đến nay là hydro “xám”, được tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch. Thậm chí đến năm 2025, sản lượng hydro xanh dự kiến ​​sẽ chỉ tăng lên 100.000-200.000 tấn.

Phần lớn phụ thuộc vào sự phát triển của năng lượng gió và năng lượng mặt trời để sản xuất hydro ở các khu vực phía tây giàu nắng và gió của Trung Quốc như Thanh Hải và Tân Cương, và sự phát triển của mạng lưới đường ống để đưa hydro hóa lỏng đến các thị trường tiêu dùng giàu có phía đông của Trung Quốc.

Trung Quốc sẽ dẫn dắt “xã hội hydro”?
Trung Quốc đang xây dựng nhà máy “hydro xanh” chạy bằng năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới ở Tân Cương. Ảnh: GN24

Trung Quốc cũng chưa giải quyết một cách có ý nghĩa thách thức trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng tiếp nhiên liệu hydro. Hiện tại, ngoài 30 trạm xung quanh Bắc Kinh cho Thế vận hội, chỉ có hơn 200 trạm tiếp nhiên liệu trên toàn quốc.

Trong khi đó, Trung Quốc có tới 160 thành phố với dân số từ 1 triệu người trở lên, nước này rõ ràng sẽ cần nhiều trạm tiếp nhiên liệu hơn nữa nếu các phương tiện chạy bằng hydro được sử dụng rộng rãi.

Bà Jane Nakano, thành viên cấp cao của CSIS mới đây đã nhận định trên “Squawk Box Asia” của CNBC rằng Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia có khả năng dẫn dắt “hydro sạch” của thế giới. “Trung Quốc không chỉ là nhà cung cấp tiềm năng và nhà xuất khẩu hydro sạch, mà còn là người tiêu dùng, người sử dụng hydro sạch”, bà Jane Nakano nói thêm.

Tuy nhiên, Nakano cũng quan sát thấy rằng Trung Quốc, giống như nhiều quốc gia, vẫn đang sản xuất và tiêu thụ hydro xám - một loại hydro có nguồn gốc từ khí tự nhiên và được sản xuất từ ​​nhiên liệu hóa thạch. Nó là dạng hydro ít tái tạo nhất.

Hydro có tiềm năng đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu - năng lượng mà nó tạo ra không tạo ra carbon dioxide làm ấm bầu khí quyển. Mặt khác, nó là một loại khí dễ bị rò rỉ có thể tạo ra hiệu ứng ấm lên của chính nó - do đó làm trầm trọng thêm vấn đề khí hậu - nếu không được quản lý tốt hydro “sạch” cũng rất tốn kém để sản xuất và ngành công nghiệp này vẫn còn sơ khai.

“Quy mô tiềm năng của Trung Quốc sản xuất hydro nhưng sau đó cũng là tiêu thụ, đó là điều rất quan trọng khiến Trung Quốc tiếp tục tránh sản xuất hydro màu xám”, bà Jane Nakano nhấn mạnh.

Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) Trung Quốc tuyên bố nước này đặt mục tiêu sẽ sản xuất từ 100.000 đến 200.000 tấn hydro xanh mỗi năm và sẽ có khoảng 50.000 phương tiện chạy bằng nhiên liệu hydro vào năm 2025.

Trung Quốc đặt mục tiêu thiết lập một ngành công nghiệp hydro hoàn chỉnh bao gồm các lĩnh vực vận tải, lưu trữ năng lượng và công nghiệp, đồng thời cải thiện quan trọng tỷ lệ hydro xanh trong tiêu thụ năng lượng vào năm 2035. Hydro xanh cũng có thể được ứng dụng rộng rãi trong nhiên liệu pin và động cơ đốt trong.

Thị trường hydro xanh toàn cầu sẽ tăng hơn 6.000% vào năm 2031Thị trường hydro xanh toàn cầu sẽ tăng hơn 6.000% vào năm 2031
Shell chuẩn bị xây dựng mạng lưới trạm tiếp nhiên liệu hydro tại Thượng HảiShell chuẩn bị xây dựng mạng lưới trạm tiếp nhiên liệu hydro tại Thượng Hải
Rolls-Royce và easyJet thử nghiệm công nghệ động cơ đốt hydro cho máy bayRolls-Royce và easyJet thử nghiệm công nghệ động cơ đốt hydro cho máy bay

Thanh Sơn

  • vietinbank