Bộ Lao động Thương binh và Xã hội

Trình Chính phủ dự thảo mức lương tối thiểu kể từ ngày 1/7

11:32 | 11/06/2022

122 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng kể từ ngày 1/7/2022.

Theo tờ trình, các mức lương tối thiểu tháng được xác định theo 4 vùng: vùng I là 4.680.000 đồng/tháng, vùng II là 4.160.000 đồng/tháng, vùng III là 3.640.000 đồng/tháng, vùng IV là 3.250.000 đồng/tháng.

Trình Chính phủ dự thảo mức lương tối thiểu kể từ ngày 1/7
Việc điều chỉnh lương tối thiểu thực hiện từ ngày 1/7/2022 là rất cần thiết

Mức lương tối thiểu nêu trên tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000 đồng - 260.000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành. Mức điều chỉnh lương tối thiểu nêu trên gồm tăng 5,3% để bảo đảm đủ mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ (tính đến hết năm 2023) và tăng thêm 0,7% để cải thiện thêm tiền lương cho người lao động.

"Mức điều chỉnh này có sự chia sẻ, hài hòa lợi ích của người lao động và doanh nghiệp, vừa chú ý cải thiện đời sống cho người lao động, vừa chú ý đến việc bảo đảm duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. 100% thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia thống nhất và khuyến nghị với Chính phủ điều chỉnh theo mức này"- nội dung nêu rõ.

Về mức lương tối thiểu giờ, quy định các mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng: vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ.

Về thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu, có ý kiến cho rằng doanh nghiệp cần có thêm thời gian để phục hồi sau giai đoạn bị tác động bởi đại dịch Covid-19, do đó chỉ nên xem xét, thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu từ ngày 1/1/2023.

Bộ LĐ-TB&XH nêu quan điểm, việc điều chỉnh lương tối thiểu thực hiện từ ngày 1/7/2022 là rất cần thiết với các lý do đã nêu tại Tờ trình. Điều này thể hiện sự quan tâm sát sao, kịp thời của Nhà nước tới việc chăm lo đời sống của người lao động, nhất là sau hơn 2 năm bị tác động lớn từ đại dịch Covid-19. Mức điều chỉnh lương tối thiểu không cao (tăng 6%), cũng chỉ bảo đảm bù đắp và có cải thiện hơn một chút so với mức sống tối thiểu của người lao động; đa số các doanh nghiệp hiện đều trả cao hơn mức lương tối thiểu này nên về cơ bản không ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Do đó việc Chính phủ quy định thực hiện từ 1/7 sẽ đáp ứng được nguyện vọng của người lao động, nhất là trong bối cảnh giá cả đang có xu hương tăng cao và sẽ góp phần tích cực duy trì sự ổn định quan hệ lao động trong các doanh nghiệp. Hội đồng tiền lương quốc gia (với sự tham gia đại diện của 3 bên gồm cả đại diện người sử dụng lao động tại trung ương và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nhất trí với thời điểm này.

Trong quá trình hoàn thiện dự thảo nghị định, Bộ LĐ-TB&XH cho biết đã lấy ý kiến của 63 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (trong đó yêu cầu các địa phương phải lấy ý kiến các nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn); 15 bộ và cơ quan ngang Bộ; 12 hiệp hội doanh nghiệp sử dụng đông lao động; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (trong đó yêu cầu lấy ý kiến các Liên đoàn Lao động địa phương).

M.C