Tổng nợ xấu của 27 ngân hàng hơn 113 nghìn tỷ đồng, tăng gần 26%

19:16 | 10/11/2021

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Tính đến nay, hầu hết các ngân hàng đã công bố BCTC quý 3/2021 với kết quả kinh doanh khả quan. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng khá rõ trên chất lượng tài sản khi nợ xấu của nhiều nhà băng bắt đầu có dấu hiệu tăng mạnh.

Thống kê từ số liệu BCTC quý 3/2021 của 27 ngân hàng cho thấy, tính đến ngày 30/9/2021, tổng nợ xấu của 27 ngân hàng ở mức hơn 113 nghìn tỷ đồng, tăng tới gần 26% so với đầu năm. Trong đó, có tới 19/27 ngân hàng ghi nhận nợ xấu gia tăng, chỉ 8/27 thành viên công bố nợ xấu giảm.

Tổng nợ xấu của 27 ngân hàng hơn 113 nghìn tỷ đồng, tăng gần 26%
Tổng nợ xấu nội bảng của ngân hàng TMCP Nam Á lên tới 1.849 tỷ đồng/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Ví dụ NamABank, kết thúc 9 tháng đầu năm, tổng nợ xấu nội bảng của ngân hàng đã lên tới 1.849 tỷ đồng, tăng tới 148,7% so với đầu năm. Nợ xấu chủ yếu gia tăng ở nợ nhóm 3 và 5, với mức tăng lần lượt 271% và 147%. Trong khi đó cho vay khách hàng chỉ tăng 9,5% lên gần 97.606 tỷ đồng. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng mạnh từ 0,83% hồi đầu năm lên 1,89% khi kết thúc quý 3/2021.

Tại ngân hàng ABBank, kết thúc 9 tháng, nợ xấu nội bảng cũng tăng 46,5% so với đầu năm, lên 1.939 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu/cho vay của ngân hàng theo đó tăng lên 2,94%, từ mức 2,79% hồi đầu năm. ABBank hiện cũng là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao thứ ba hệ thống.

Một loạt các ngân hàng khác cũng có nợ xấu tăng mạnh trong kỳ bao gồm Vietcombank (108%), VietBank (58,5%), ACB (53,4%),…

Xét về tỷ lệ nợ xấu/cho vay, hiện VPBank đang là ngân hàng duy nhất có tỷ lệ nợ xấu trên 3%. Đây là kết quả hợp nhất, phản ánh hệ quả tác động của COVID-19 đối với phân khúc tín dụng tiêu dùng dễ bị tổng thương tại FE Credit. Còn riêng tại ngân hàng mẹ, chất lượng cho vay vẫn đang được kiểm soát khá tốt khi tỷ lệ nợ xấu/cho vay ở mức 2,28%, giảm đáng kể so với mức 2,52% hồi đầu năm.

Cũng cần phải nhấn mạnh, những con số trên chưa thể thể hiện hết bức tranh chất lượng tài sản của các nhà băng. Vùng nhận diện nợ xấu thực tế sẽ mở rộng hơn nhiều khi nhìn vào các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo cơ chế hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Thống kê đến cuối tháng 9/2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 278.000 khách hàng với dư nợ 238.000 tỷ đồng. Lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng từ 23/01/2020 là khoảng 531.000 tỷ đồng.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (t/h)

vietinbank
ajinomoto