Tin Thị trường: Rosneft ký được hợp đồng cung cấp dầu khổng lồ cho Ấn Độ

16:26 | 26/06/2023

15,935 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nhiên liệu máy bay là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2023; Đức ký thỏa thuận LNG dài hạn với Mỹ nhằm thay thế Nga...
Tin Thị trường: Rosneft ký được hợp đồng cung cấp dầu khổng lồ cho Ấn Độ

Đức ký thỏa thuận LNG dài hạn với Mỹ

Công ty Securing Energy for Europe (SEFE) do nhà nước kiểm soát của Đức đã ký hợp đồng 20 năm với Venture Global LNG để nhập khẩu 2,25 triệu tấn LNG mỗi năm từ dự án CP2 LNG, khi nền kinh tế lớn nhất châu Âu tìm cách đảm bảo nguồn cung khí đốt sau khi Nga ngừng giao hàng.

Sefe, thuộc sở hữu toàn bộ của chính phủ Đức, được thành lập vào năm ngoái sau khi Đức quốc hữu hóa một chi nhánh cũ của Gazprom hồi tháng 4 với khoản vay lên tới hàng tỷ euro. Gazprom Germania được đổi tên thành Securing Energy for Europe GmbH (SEFE), để đảm bảo cung cấp năng lượng cho Đức và châu Âu.

"Bằng cách hợp tác với Venture Global LNG, SEFE đã thực hiện một bước quan trọng khác trong sứ mệnh đảm bảo năng lượng cho khách hàng Đức và châu Âu, đồng thời đáp ứng nhu cầu năng lượng của khu vực", Giám đốc điều hành của SEFE, Egbert Laege, cho biết khi bình luận về thỏa thuận này.

Mike Sabel, Giám đốc điều hành của Venture Global LNG nói: "Đức đã hành động dứt khoát để đa dạng hóa danh mục đầu tư năng lượng của mình và LNG sẽ là một phần quan trọng trong sự kết hợp đó khi nước này tìm cách tăng cường an ninh năng lượng của mình đồng thời thúc đẩy tiến bộ về môi trường".

Thỏa thuận dài hạn mới báo hiệu rằng Đức sẽ tiếp tục dựa vào khí đốt tự nhiên.

Vào cuối năm ngoái, Đức đã ký một thỏa thuận với Qatar, trong đó Qatar cung cấp LNG cho Đức trong ít nhất 15 năm bắt đầu từ năm 2026 theo các thỏa thuận mà công ty nhà nước QatarEnergy và công ty Mỹ ConocoPhillips đã ký để cung cấp từ mỏ North Field East (NFE) của Qatar và các dự án mở rộng North Field South (NFS).

Ấn Độ mua dầu thô Nga với giá thấp hơn chuẩn Dubai

Nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu nhà nước của Ấn Độ Bharat Petroleum Corporation Limited (BPCL) đang đàm phán với Rosneft để mua gần 44 triệu thùng dầu thô của Nga với mức giá thấp hơn chuẩn Dubai, Reuters đưa tin hồi cuối tuần qua.

Các nguồn thạo tin cho hay, đàm phán giữa BPCL và nhà cung cấp dầu thô đến từ Nga, đã tiến đến giai đoạn nâng cao, trong đó điều khoản thanh toán đang được thảo luận.

Dầu thô mà Rosneft dự kiến bán cho BPCL sẽ có giá thấp hơn 8 USD/thùng so với chuẩn Dubai.

Trong khi cả chuẩn dầu Brent và dầu Dubai đều được định giá bằng USD, chuẩn Trung Đông được các nhà khai thác hàng đầu Trung Đông sử dụng để bán dầu thô của họ sang châu Á, trong khi dầu Brent là giá tham chiếu cho dầu thô từ châu Âu, châu Phi và Nam Mỹ.

Mức chênh lệch thấp hơn 8 USD/thùng của dầu Nga so với Dubai đối với dầu thô xuất sang BPCL của Ấn Độ sẽ thấp hơn nhiều so với giá dầu thô của Ả Rập Xê-út xuất sang châu Á vào tháng 7. Loại Arab Light hàng đầu của Ả Rập Xê-út được bán với giá cao hơn 3 USD so với mức trung bình của chuẩn Oman/Dubai sau khi Riyadh vào đầu tháng này tăng giá bán chính thức (OSP) cho dầu thô của họ sang châu Á.

Thỏa thuận giữa Rosneft - BPCL sẽ chứng kiến gã khổng lồ dầu mỏ Nga vận chuyển tới 7 chuyến hàng với khoảng 700.000 thùng mỗi chuyến cho đến tháng 3/2024, theo Reuters.

Thỏa thuận này sẽ tiếp tục thúc đẩy thị phần của Nga tại Ấn Độ, nơi dầu thô Nga chiếm 42% tổng lượng dầu thô nhập khẩu của Ấn Độ trong tháng 5.

Nhiên liệu máy bay là động lực tăng trưởng nhu cầu dầu

Nhiên liệu máy bay sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2023, theo các nhà phân tích năng lượng tại Capital Economics.

Trong khi hàng không chỉ chiếm một phần nhỏ trong lượng tiêu thụ dầu toàn cầu, công ty nghiên cứu có trụ sở tại London cho biết nhiên liệu máy bay có thể chiếm 64% trong tăng trưởng nhu cầu dầu thô 1,4 triệu thùng/ngày mà họ dự kiến trong năm nay. Capital Economics nhận thấy nhu cầu nhiên liệu máy bay tăng 900.000 thùng/ngày trong năm 2023.

Trong một nghiên cứu, các nhà phân tích nói: "Hàng không sẽ chiếm phần lớn trong tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ. Hoạt động bay quốc tế tiếp tục phát triển ở Trung Quốc và phần còn lại của thế giới".

Ước tính của ngành hàng không từ Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho thấy mức tiêu thụ nhiên liệu máy bay toàn cầu tăng khoảng 20% vào năm 2022, lên khoảng 6,4 triệu thùng/ngày.

IATA dự đoán mức tăng gần 15% trong năm nay, lên 7,3 triệu thùng/ngày.

"Tuy nhiên, nhu cầu vẫn bị hạn chế so với mức trước khi bùng nổ đại dịch Covid-19, cho thấy rằng mức tiêu thụ có thể tiếp tục tăng cao hơn trong thời gian còn lại của năm", Capital Economics cho hay.

Tháng trước, giám đốc điều hành của Air Canada đã trích dẫn lượng đặt chỗ trước ở mức cao cho các chuyến bay khi hãng hàng không lớn nhất Canada báo cáo kết quả tài chính quý đầu tiên.

Tin Thị trường: Rosneft phàn nàn về việc mất thị phần vào tay các đối tác Tin Thị trường: Rosneft phàn nàn về việc mất thị phần vào tay các đối tác
Tin Thị trường: Nhu cầu dầu diesel toàn cầu vẫn mạnh Tin Thị trường: Nhu cầu dầu diesel toàn cầu vẫn mạnh

Bình An