Tin nhanh chứng khoán ngày 1/10: Thị trường giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch đầu tháng

03:03 | 02/10/2021

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Trái với kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư khi thị trường bước vào tháng mới sau khi đã chốt xong các số liệu quý III, thị trường đã có phiên giảm điểm mạnh với mức - 7,17 điểm về mốc 1.334,89. Tâm điểm của thị trường ngày 1/10 là nhóm cổ phiếu dầu khí và thép, tuy nhiên cũng chỉ giúp hãm bớt đà giảm của chỉ số. Thanh khoản thị trường có phần được cải thiện so với các phiên trước đó.

Phiên giao dịch đầu tiên của tháng 10 mở cửa trong trạng thái bán ra mạnh, hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn giảm giá và gây áp lực mạnh lên thị trường chung. Theo đó, chỉ vài phút sau phiên ATO, VN Index đã về mốc 1.337 điểm. Sau đó, chỉ số có hồi phục lên trên tham chiếu nhưng lại nhanh chóng giảm mạnh, có lúc đã về mốc 1.333 điểm.

Tin nhanh chứng khoán ngày 1/10: Thị trường giảm điểm mạnh phiên giao dịch đầu tháng

Trong phiên sáng, nhóm ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, tài chính khác, xây dựng… là nguyên nhân chủ yếu khiến thị trường chìm trong sắc đỏ. Trong đó, nhóm ngân hàng chỉ có TPB và NVB tăng giá, còn lại hầu hết đều giảm điểm. Trong rổ VN30, những cổ phiếu giảm sâu nhất có nhiều mã ngân hàng như STB, HDB, VCB, VPB...

Ngược chiều với thị trường chung, nhóm cổ phiếu dầu khí, phân bón, thép… lại có diễn biến khá tích cực. Trong đó, ở nhóm dầu khí, GAS có mức tăng tốt nhất trong rổ VN30, ngoài ra PVS, PVC, PVG, BRS… cũng giao dịch tích cực.

Trên sàn HOSE, VPB, VCB, VHM, MSN là những cổ phiếu có tác động tiêu cực nhất đến VN Index. Ngược lại, GAS, HPG… tác động tích cực nhất đến chỉ số.

Trên sàn HNX, SHB, THD, PVI… là những mã lấy đi nhiều điểm số nhất. Trong khi đó, IDC, NVB, SCS… mang về nhiều điểm nhất cho HNX Index.

Phiên sáng, khi thị trường giảm sâu thì dòng tiền bắt đáy cũng xuất hiện khá mạnh. Theo đó, thanh khoản thị trường đã có sự cải thiện đáng kể.

Tạm dừng phiên sáng, VN Index giảm 6,27 điểm (-0,47%) xuống 1.335,79 điểm với 124 mã tăng và 278 mã giảm. HNX Index giảm 1,3 điểm (-0,36%) xuống 356,03 điểm với 73 mã tăng và 134 mã giảm. UPCoM Index giảm 0,52 điểm (-0,54%) xuống 96,04 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt gần 16 nghìn tỷ đồng, trong đó riêng HOSE đạt hơn 13 nghìn tỷ.

Phiên giao dịch chiều tiếp tục diễn biến với rung lắc mạnh. Chỉ số VN Index đã có nhịp hồi lên gần mốc tham chiếu nhưng sau đó lại nhanh chóng lao dốc và kết phiên khi giảm hơn 7 điểm.

Nhóm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, xây dựng, khu công nghiệp… vẫn chịu áp lực bán ra lớn khiến thị trường kém sắc. Trong khi đó, rổ VN30 cũng có tới 19 mã giảm càng khiến nhà đầu tư bán ra mạnh hơn. Nổi bật là STB -3,9%, LPB -3,5%, VIB -3%, VPB -3%, HDB - 2,2%, CTG -2,1%...

Một diễn biến khác đáng chú ý, họ cổ phiếu “họ Louis” lại chịu áp lực xả hàng sau một phiên hồi phục. Các cổ phiếu đều giảm mạnh, trong đó TGG, BII, SMT, VKC giảm sàn.

Chiều tăng điểm vẫn là nhóm dầu khí, phân bón, thép. Dòng tiền vẫn đổ vào mạnh khiến HPG, HSG, NKG… tăng điểm; hay nhiều mã dầu khí tăng trần như ASP, CNG, GSP, PGC, PGS, PSD, PVE, PVG…

Một số cổ phiếu nhỏ từ các nhóm ngành khác nhau cũng đi ngược chiều thị trường như PGT, DLG, TDG… hay hàng loạt mã siêu nhỏ trên UPCoM tăng trần.

Thanh khoản thị trường cải thiện rõ rệt với tổng giá trị hơn 28 nghìn tỷ đồng. Có thể thấy, dòng tiền lớn vẫn trực chờ bên ngoài thị trường để giải ngân ở những vùng giá hấp dẫn. Tuy nhiên, giao dịch khối ngoại lại chứng kiến bán ròng hơn 530 tỷ, tập trung vào MSN, VCB, VHM, VIC, VRE…

Kết thúc phiên giao dịch ngày 1/10, VN Index giảm 7,17 điểm (-0,53%) xuống 1.334,89 điểm với 137 mã tăng và 269 mã giảm, khối lượng giao dịch đạt 738,2 triệu đơn vị, giá trị hơn 23,3 nghìn tỷ đồng. HNX Index giảm 0,84 điểm (-0,24%) xuống 356,49 điểm với 90 mã tăng và 147 mã giảm, khối lượng giao dịch đạt 128,9 triệu đơn vị, giá trị hơn 2,8 nghìn tỷ đồng. UPCoM Index giảm 0,58 điểm (-0,6%) xuống 95,98 điểm với 226 mã tăng và 191 mã giảm, khối lượng giao dịch đạt 160,5 triệu đơn vị, giá trị hơn 1,9 nghìn tỷ đồng.

Văn Hưng

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

vietinbank
ajinomoto