Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (25/9-1/10)

09:24 | 02/10/2022

872 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Shell lần đầu xâm nhập thị trường năng lượng tái tạo châu Phi; Ba Lan: Hai gã khổng lồ năng lượng sáp nhập; Shell và Exxon rút khỏi các dự án cũ ở Biển Bắc; TotalEnergies và Qatar ký thỏa thuận lớn về khí đốt; Schlumberger và Aramco hợp tác phát triển nền tảng kỹ thuật số… là những tin tức nổi bật của các tập đoàn năng lượng quốc tế tuần qua.
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (25/9-1/10)

Eni, trong một thông cáo hôm 1/10 cho biết tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga đã thông báo về việc tạm dừng cung cấp khí đốt cho Italy với lý do "không thể trung chuyển khí đốt thông qua lãnh thổ Áo". "Gazprom thông báo rằng họ không thể cung cấp lượng khí đốt được chúng tôi yêu cầu cho ngày hôm nay với lý do không thể trung chuyển khí đốt qua lãnh thổ Áo. Vì vậy, nguồn cung cấp khí đốt ngày hôm nay của Nga cho Italy thông qua Eni tại trạm trung chuyển Tarvisio sẽ bằng 0", thông cáo của Eni cho hay, đồng thời khẳng định sẽ cung cấp thêm thông tin "trong trường hợp nguồn cung cấp khí đốt được khôi phục". Gazprom hiện chưa cung cấp lý do vì sao nguồn cung khí đốt cho Italy không thể đi qua lãnh thổ Áo. Nhà vận hành đường ống của Gazprom của Áo, công ty Gas Connect Austria, cũng chưa lên tiếng về vấn đề này.

Cũng trong ngày 1/10, Gazprom đã cắt nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho Moldova khoảng 30%, Vadim Ceban, người đứng đầu Moldovagaz cho biết. Phó Thủ tướng Moldova Andrei Spinu nói rằng Chisinau đã được Gazprom cảnh báo về việc giảm lượng giao hàng sắp tới. Ông cho biết rằng sự sụt giảm này là do các vấn đề kỹ thuật và quốc gia của ông sẽ yêu cầu Gazprom tăng giao hàng.

Shell đã công bố quyết định mua lại Daystar Power - Nhà cung cấp giải pháp năng lượng mặt trời hỗn hợp ở Tây Phi cho các doanh nghiệp thương mại và công nghiệp. Đây là thương vụ mua lại tài sản năng lượng tái tạo ở châu Phi đầu tiên mà Shell thực hiện. Vì vậy, Shell vẫn phải chờ phê duyệt từ cơ quan chính quyền địa phương. Theo thỏa thuận, các nhà đồng sáng lập và đội ngũ quản trị của Daystar Power sẽ tiếp tục phát triển hoạt động kinh doanh của công ty tại thị trường Tây Phi. Đồng thời, Daystar Power sẽ mở rộng sang phía đông và phía nam châu Phi. Nhờ có Shell rót tiền, Daystar Power đặt mục tiêu tăng công suất lắp đặt từ 32 MW hiện tại lên 400 MW từ nay cho đến năm 2025. Việc một gã khổng lồ dầu mỏ như Shell đầu tư vào các tài sản năng lượng tái tạo ở châu Phi là điều chưa từng xảy ra.

Cùng lúc đó, TotalEnergies (Pháp) - một đại gia dầu mỏ khác, đang sở hữu cổ phần của công ty năng lượng tái tạo đa ngành Total Eren, chuyên phát triển, xây dựng và vận hành các nhà máy năng lượng tái tạo dài hạn. TotalEnergies Marketing Guinea và công ty điện lực nhà nước Guinea (EDG) mới đây cũng đã ký một biên bản ghi nhớ hợp tác về nghiên cứu và sản xuất năng lượng sạch để đáp ứng nhu cầu của người dân Guinea.

Hội đồng quản trị của tập đoàn dầu khí nhà nước PKN Orlen (Ba Lan) đã thông qua dự án sáp nhập với PGNiG - công ty khí đốt lớn nhất toàn Ba Lan. Được biết, hoạt động này nằm trong khuôn khổ kế hoạch hợp nhất lĩnh vực năng lượng ở Ba Lan. Theo Ba Lan, quyết định sáp nhập những công ty địa phương sẽ mang lại “sự ổn định về nguồn cung năng lượng, đồng thời, củng cố an ninh năng lượng và lập trường độc lập năng lượng của Ba Lan”. Tuy chính phủ Ba Lan và Văn phòng Cạnh tranh & Bảo vệ người tiêu dùng Ba Lan (UOKiK) đã bật đèn xanh cho dự án, PKN Orlen vẫn cần sự đồng ý từ hội đồng quản trị PGNiG để hoàn thiện hồ sơ. Được biết, UOKiK yêu cầu PGNiG từ bỏ quyền kiểm soát kho trữ khí đốt toàn quốc. Về tiến trình sáp nhập, PKN Orlen sẽ mua lại toàn bộ tài sản của PGNiG. Đổi lại, PGNiG sẽ có cổ phần góp vốn vào PKN Orlen.

Patrick Pouyanné - Giám đốc điều hành của gã khổng lồ dầu khí TotalEnergies (Pháp) cho biết, tập đoàn sẽ đầu tư 1 tỷ euro để cải thiện hiệu suất năng lượng của các công ty con trong thời điểm căng thẳng đối với kinh tế và người tiêu dùng. Tại Đại hội khí đốt Paris, ông Patrick Pouyanné cho biết, kế hoạch này sẽ kéo dài trong hai năm. Bản thân TotalEnergies cũng là một nhà cung cấp điện. Do đó, công ty dự định tung ra nhiều ưu đãi để khuyến khích khách hàng giảm hoặc thay đổi thời gian biểu tiêu thụ điện sinh hoạt trong mùa đông này. TotalEnergies cũng muốn sử dụng lại “những biện pháp đơn giản hơn”, ví dụ như khuyến khích khách hàng chuyển sang sử dụng điện trong “giờ thấp điểm”. Các biện pháp được dự kiến khác ​​bao gồm chính sách hoàn tiền “thưởng” cho những khách hàng có mức tiêu thụ điện ít hơn so với mùa đông năm ngoái.

Theo ba nguồn tin trong ngành và nhiều ngân hàng, hai ông lớn dầu khí của Vương quốc Anh - Shell ExxonMobil, đã hợp tác thiết lập thủ tục rao bán một lượng lớn tài sản khí đốt tự nhiên ngoài khơi ở miền nam Vương quốc Anh và Biển Bắc của Hà Lan. Theo đó, hai công ty đã thuê ngân hàng đầu tư Jefferies để phụ trách thương vụ này. Dự kiến đợt rao bán có thể thu về hơn 2 tỷ USD. Vào đầu tháng 9, Shell và Exxon đã tiến hành rao bán độc lập những tài sản của họ ở Anh và Hà Lan. Vào tháng 7, Shell và Exxon đã chuẩn bị thủ tục rao bán liên doanh NAM tại Hà Lan (mỗi bên giữ 50% cổ phần), mỏ khí Groningen khổng lồ và một trong những công ty sản xuất khí đốt tự nhiên lớn nhất và lâu đời nhất ở châu Âu. Theo hãng thông tấn Reuters, Shell đang chuẩn bị khởi động đợt rao bán mới vào tháng 2/2023. Theo các nguồn tin, hai ông lớn dầu khí hy vọng quá trình hợp tác rao bán này sẽ thu hút được giá thầu từ một số công ty dầu khí đã bày tỏ sự quan tâm ban đầu. Đây là một phần trong nỗ lực loại bỏ các tài sản dầu khí cũ của Shell và ExxonMobil, nhằm giảm chi phí và tập trung ngân sách vào các dự án mới hơn, lớn hơn trên khắp thế giới.

Hôm 24/9, Qatar đã công bố hoàn tất ký kết một hợp đồng lớn trị giá 1,5 tỷ USD với tập đoàn dầu khí TotalEnergies (Pháp) để phát triển mỏ khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới. Thông báo được đưa ra trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng ở châu Âu do cuộc chiến Nga-Ukraine. Theo đó, ông Patrick Pouyanné - Giám đốc điều hành TotalEnergies và ông Saad Sherida Al-Kaabi - Bộ trưởng Năng lượng kiêm Giám đốc điều hành QatarEnergy (QE), đều chia sẻ quan điểm về tầm quan trọng của các hợp đồng dài hạn để đảm bảo nguồn cung năng lượng cho châu Âu. Theo tuyên bố, gã khổng lồ năng lượng QatarEnergy (QE) đã chọn TotalEnergies làm đối tác nước ngoài đầu tiên cho dự án phát triển mỏ khí đốt tự nhiên North Field South (NFS). Trước đó, vào tháng 6/2022, TotalEnergies cũng đã ký một thỏa thuận trị giá hơn 2 tỷ USD với Qatar để phát triển dự án North Field East (NFE). North Field South và North Field East là những dự án mở rộng North Field - mỏ khí đốt tự nhiên ngoài khơi lớn nhất trên toàn thế giới, do Qatar đồng sở hữu với Iran.

Hai gã khổng lồ dầu khí toàn cầu - Schlumberger Aramco, công bố ý định hợp tác và phát triển một nền tảng kỹ thuật số chuyên cung cấp những giải pháp bền vững cho các lĩnh vực công nghiệp khó khử carbon. Theo dự kiến, nền tảng này sẽ giúp những công ty trong các lĩnh vực như dầu khí, hóa chất, dịch vụ công cộng, xi măng và thép làm những công việc thu thập, đo lường, báo cáo và xác minh lượng khí thải của họ, đồng thời đánh giá những lộ trình khử carbon khác nhau.

Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (12-18/9)Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (12-18/9)
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (5-11/9)Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (5-11/9)
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (29/8-4/9)Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (29/8-4/9)

Nh.Thạch

AFP