Tiềm năng phát triển ngành ngọc trai Việt Nam

01:53 | 21/01/2022

368 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nước ta với lợi thế bờ biển dài hơn 3.200 km, trong đó có trên 150 hòn đảo có người sinh sống. Tổng diện tích mặt nước có thể phát triển nuôi trồng thủy sản ở nước ta khoảng 2.621.658 ha, trong đó có nhiều diện tích mặt nước rất phù hợp để phát triển nghề nuôi cấy ngọc trai phát triển thành một ngành công nghiệp nếu được quan tâm đầu tư đúng hướng.
Tiềm năng phát triển ngành ngọc trai Việt Nam
Toàn cảnh tọa đàm

Ngày 20/1, Báo Dân Việt tổ chức tọa đàm trực tuyến “Hiện trạng, thách thức và cơ hội phát triển ngành ngọc trai Việt Nam”. Tọa đàm chia sẻ về hiện trạng, thách thức cũng như cơ hội phát triển ngành ngọc trai thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước.

Ngọc trai Việt Nam có chất lượng rất cao

Thời gian vừa qua, ngành nuôi trai tại Việt Nam đã phát triển được thương hiệu trên thị trường thế giới, ngành nuôi trai lấy ngọc phát triển tập trung hướng tới một số đối tượng khách hàng. Mỗi đối tượng lại có một loại ngọc trai khác nhau, ví dụ ngọc trai hình tròn, hình ô van,... Đồng thời, Việt Nam cũng là thị trường có nhu cầu tiêu thụ ngọc trai lớn. Vì vậy, nếu phát triển tốt, đúng hướng, ngành nuôi trai không chỉ thỏa mãn được nhu cầu tiêu thụ trong nước, mà còn có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, tạo thương hiệu riêng.

Trong 15 năm gần đây, theo Viện Tài nguyên môi trường biển ở Hải Phòng, Việt Nam không chỉ có trai lấy ngọc, mà còn nuôi điệp mang ngọc (nhuyễn thể hai mảnh vỏ cùng họ với trai). Điệp cùng họ nhà trai, nhưng vỏ mỏng dẹt hơn nên ngọc cũng có hình thù theo khuôn mảnh vỏ, có nét đẹp riêng. Điệp mang ngọc tự nhiên có kích thước nhỏ hơn trai cấy ngọc và loại này rất quý. Thậm chí, các nhà nghiên cứu không tiết lộ nơi phân bố loại ngọc này vì nếu công bố sẽ có thể bị khai thác quá đà, không thể duy trì tự nhiên.

Tiềm năng phát triển ngành ngọc trai Việt Nam
Nuôi cấy ngọc trai

Nuôi trai lấy ngọc nằm trong hoạt động nuôi trồng thủy sản của Việt Nam - quốc gia có tiềm năng biển lớn, khi trên đất liền cũng có những vựa nước ngọt có điều kiện phát triển ngành nuôi trai, trong đó có nuôi trai lấy ngọc. Tại Việt Nam, đây đã trở thành nghề truyền thống.

Theo đánh giá của PGS.TS Trần Thị Oanh - nguyên Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm thiên nhiên (IRDOP), ngọc trai ở các vùng có sinh thái khác nhau sẽ khác nhau về mặt tỷ lệ các thành phần, khác biệt rõ nhất là nước mặn và nước ngọt. Ngọc trai An Phú ở Quảng Ninh có chất lượng rất tốt, ngang bằng với ngọc trai đến từ Nhật Bản. Ngọc trai ở Quảng Ninh có nguyên tố vi lượng cao, khi dùng làm mỹ phẩm có tác dụng dưỡng ấm tốt, tốt cho da, làm đẹp cho con người, phụ nữ.

Hiếm có một thành phần nào vừa có tác dụng điều trị, vừa đảm bảo cân bằng cho da. Việc cân bằng trên da tạo ra kháng thể tốt cho da và ngọc trai làm được điều đó. Qua nghiên cứu chúng tôi thấy được điều đó, nhiều sản phẩm ngọc trai dùng để điều trị mụn, giúp làm lành các vết tổn thương. Hiện năng lực sản xuất ngọc trai của nước ta ngang bằng với các nước phát triển trên thế giới nếu chúng ta có đầu tư xứng tầm.

Ông Nguyễn Văn Sĩ, chuyên gia nuôi trồng ngọc trai Công ty An Phú cho biết thêm, vào khoảng năm 1994, người Nhật đã sang Việt Nam bắt đầu đào tạo về cấy ghép ngọc trai. Sau đó, ông Sĩ đã được công ty cử sang Nhật Bản để đào tạo thêm về công nghệ nuôi cấy ngọc trai.

Nói về công nghệ nuôi cấy, ông Sĩ cho biết, muốn cấy được ngọc vào trai phải nuôi trai con trong vòng 2 năm, sau đó chọn ra những con trai khỏe rồi mới tiến hành cấy. Cấy ngọc cũng phải cấy theo mùa và mùa cấy trai rơi vào tháng 4 và tháng 6. Khi đó trai đến mùa sinh sản mới có thể cấy được những viên ngọc hoàn hảo.

“Phải mất 2 năm kể từ khi cấy mới thu được ngọc trai. Người cấy ngọc cũng phải có kinh nghiệm ít nhất 3 năm trong nghề. Vì chỉ cần đặt sai vị trí sẽ không cho ra một viên ngọc hoàn hảo. Còn nếu trai còn trứng, thành phẩm ngọc sẽ bị đen và phải bỏ đi”, ông Sĩ nói.

Chia sẻ về nghề nuôi trai lấy ngọc vùng nước mặn, bà Nguyễn Thị Minh Thu - Giám đốc Công ty Ngọc trai và Trang sức An Phú nhận xét, khách nước ngoài rất yêu thích sản phẩm ngọc trai Việt Nam. Nhưng nhiều người mua ngọc trai tại Việt Nam, sau khi đi kiểm định đã phát hiện ra đó là ngọc trai nước ngọt thay vì là ngọc trai nước mặn như được người bán giới thiệu.

“Khi thành lập công ty, đã có nhiều người thắc mắc tại sao trong khi cả thị trường đều kinh doanh ngọc trai nước ngọt, chúng tôi lại chọn đi ngược lại với số đông bằng cách kinh doanh trai nước mặn. Đó là bởi vì niềm tự hào dân tộc và tình yêu với ngọc trai”, bà Minh Thu nói.

Tiềm năng phát triển ngành ngọc trai Việt Nam
Chiếc vương miện đính ngọc trai của Hoa hậu quý bà người Việt Nam toàn cầu 2019 Lâm Diệu Linh

Khi chúng tôi bắt tay vào việc nuôi cấy, chúng tôi mới hiểu được sự vất vả của những người nuôi cấy trai lấy ngọc. Họ phải bám biển, lênh đênh trên biển. Thậm chí, phải chọn được những vùng biển phù hợp để nuôi ngọc trai, vùng vịnh có nhiều phù du tự nhiên, phù hợp cho việc nuôi trồng, cấy ghép ngọc trai, những vùng nuôi trồng ngọc trai là nơi có hòn núi to, núi nhỏ bao phủ xung quanh để che chắn được sóng to, gió lớn thì mới phù hợp với việc nuôi trồng... ví dụ như vịnh Hạ Long, khu vực Bái Tử Long (Quảng Ninh), đảo Phú Quốc, Hòn Tre và Đầm Môn (Nha Trang), Côn Đảo...

Cũng theo bà Minh Thu, việc nuôi ngọc trai đòi hỏi tay nghề rất cao, phải được đào tạo bởi các chuyên gia Nhật Bản vì Nhật là nước đi đầu trong việc nuôi cấy trai. Như anh Sĩ đã 18 lần sang Nhật học tập và trở về với nhiều đóng góp nhằm đào tạo những thế hệ tiếp theo nhằm cho ra những sản phẩm giá trị. “Để có sản phẩm đẹp, phải có thiết kế đẹp, vì vậy công ty đã thành lập bộ phận thiết kế riêng. Chúng tôi nhận thấy phải chủ động thiết kế, chủ động nuôi cấy, mới có thể tạo ra những viên ngọc trai đẹp”, bà Minh Thu khẳng định.

Cơ hội và thách thức

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026 cho rằng, trong thời gian tới, ngành nuôi ngọc trai nếu phát triển đúng hướng đòi hỏi kỹ thuật rất cao. Đòi hỏi sự khéo tay, khéo mắt của người nuôi, bởi nó tác động vào từ khâu nuôi khá lớn. Đồng thời, muốn khai thác tự nhiên tốt cần bảo tồn tốt.

Hiện nay, chúng ta chủ yếu nuôi chứ chưa nghĩ đến phần ngọc tự nhiên, chưa nghĩ đến chuyện bảo tồn các khu vực có tiềm năng nuôi trai lấy ngọc. Nuôi trai lấy ngọc cần chú ý đến khâu nuôi, vừa phát triển nhưng phải quản lý theo chuỗi. Cần phát triển kỹ thuật từ khâu nuôi đến khâu chế biến. Nuôi đã tốt rồi nhưng nếu chế biến kém cũng không đạt được giá trị kinh tế cao. Khi quan niệm nó là một ngành thì nó phải phát triển theo chuỗi và phải có sự tham gia, quản lý của nhà nước. Ngoài ra, muốn phát triển ngành thì phải toàn diện hơn. Quản lý nhà nước phải có cơ chế, chính sách để khai thác được tiềm năng, đi đúng hướng và đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Ngành ngọc trai Việt Nam rất tiềm năng, dồi dào, tuy nhiên việc tổ chức sản xuất, lựa chọn công nghệ của các khâu cho đến duy trì và hình thành chuỗi sản xuất, đến vai trò của các cơ quan quản lý của nhà nước. Vấn đề điều tiết và cạnh tranh để tạo ra giá trị của thị trường phải chuẩn bị tốt hơn. Còn vấn đề, thành tựu mà mình đạt được cho đến ngày hôm nay, tôi cho là rất đáng khen ngợi, đó sự nỗ lực của các doanh nhân.

Nuôi trai lấy ngọc là hướng đi rất tiềm năng và hiệu quả ở Việt Nam. Trong Nghị quyết 36 về phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030 có 6 lĩnh vực ưu tiên, trong đó có lĩnh vực năng lượng biển tái tạo và những ngành kinh tế biển mới khác ngoài nuôi trồng như cá tra, tôm, cá ba sa thì nên có nghề nuôi biển có ý nghĩa của nó.

Hiện nay việc nuôi trai lấy ngọc mới được ghép vào lĩnh vực nuôi biển theo nghĩa chung chứ chưa thành một ngành kinh tế. Nếu nó thành một ngành kinh tế sẽ rất quan trọng, nếu có hướng đi đúng chúng ta có thể giúp phát triển thành một làng nghề, từ các làng này sẽ có các nghệ nhân chế tác ra các vật dụng có giá trị, đó cũng chính là để duy trì các làng nghề của biển. Thứ hai là qua đó có thể giúp chúng ta phát triển văn hóa biển đặc thù Việt Nam, trong đó ngoài các văn hóa ứng xử, các duy trì khảo cổ, các tâm linh biển thì đây là các giá trị. Từ đó sẽ giúp văn hóa ngọc trai phát triển hơn trong thời gian tới.

“Hy vọng dần dần việc sản xuất ngọc trai sẽ phát triển lớn mạnh thành một ngành, có những công ty, doanh nghiệp chuyên làm ngọc trai từ A-Z, họ cung cấp vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ cho người dân nuôi và thu mua sản phẩm theo đúng mong muốn của mình và đầu tư công nghệ cho người chế tác nhằm tạo ra sản phẩm ngọc trai cuối cùng đẹp nhất”, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi nhìn nhận.

Nghề nuôi cấy ngọc trai ở nước ta ra đời được 50 năm, sớm so với các nước Đông Nam Á, nhưng lại chậm phát triển. Do chậm phát triển, các công ty nuôi cấy ngọc trai trong nước đã ngừng sản xuất hoặc chuyển đổi sang kinh doanh hàng trang sức ngọc trai. Hiện chỉ còn vài công ty duy trì nuôi cấy ngọc trai trong đó có Công ty Ngọc trai và Trang sức An Phú.

Kể từ năm 1967, chúng ta đã có nhiều đề tài, dự án nghiên cứu về nuôi trai lấy ngọc có giá trị áp dụng vào thực tiễn cao. Với các quy trình công nghệ này, sản xuất không còn phụ thuộc nước ngoài. Việt Nam hoàn toàn chủ động tổ chức sản xuất khép kín, tiêu thụ sản phẩm ngọc trai các loài cho ra ngọc có nhân cứng kích thước và độ dầy không thua kém như nhập khẩu.

Minh Châu