Thị trường lao động Hà Nội dần khởi sắc

15:00 | 28/10/2021

373 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Sau thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề do sự bùng phát lần thứ 3 và thứ 4 của đại dịch Covid-19, tình hình lao động việc làm tại Hà Nội dần lấy lại sự phục hồi, nhu cầu tuyển dụng cuối năm tăng mạnh, người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn công việc phù hợp...

Hàng nghìn việc làm chờ người lao động

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, trong 9 tháng năm 2021, thành phố đã giải quyết việc làm cho hơn 116.000 lao động. Thông qua việc đẩy mạnh chắp nối việc làm, tư vấn - giới thiệu công việc làm, thu thập và cung cấp thông tin thị trường lao động theo hình thức gián tiếp và trực tuyến. Đã có 425 lượt đơn vị doanh nghiệp đăng ký tham gia tuyển dụng với 6.846 chỉ tiêu trong tháng 9. Có hàng trăm lao động đã được nhận hồ sơ, tuyển dụng thông qua phỏng vấn online.

Thị trường lao động Hà Nội dần khởi sắc
Người lao động có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm

Hiện nay, trên sàn giao dịch việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng có dấu hiệu khởi sắc với danh sách 3.000 vị trí cần tuyển dụng với mức lương từ 7 đến 20 triệu đồng/người/tháng, trong đó ngành bán hàng có nhu cầu tuyển dụng cao nhất. Ngoài ra trên nhiều website tuyển dụng lao động, fanpage, trang tin khác cũng có hàng nghìn cơ hội việc làm đón chờ người lao động.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành, qua các kênh thông tin tuyển dụng lao động cho thấy, các ngành nghề da giày, dệt may, lắp ráp linh kiện có nhu cầu tuyển dụng khoảng 24.000 công nhân. Ngành kinh doanh thương mại điện tử sẽ phục hồi bùng nổ do sức mua của người tiêu dùng, ước tính sẽ cần thêm 10.000 lao động trong những tháng cuối năm.

Theo ghi nhận của phóng viên, nhu cầu tuyển dụng việc làm tại một số đơn vị, doanh nghiệp đang tăng trở lại. Cụ thể, tại Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh), Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh)... xuất hiện nhiều thông báo tuyển dụng lao động của doanh nghiệp. Trên các trang web tuyển dụng việc làm hay trang thông tin của các khu công nghiệp cũng có nhiều nội dung liên quan đến tuyển dụng lao động ở nhiều vị trí.

Đơn cử như Công ty TNHH Elentec đang có nhu cầu tuyển dụng 1.000 công nhân và nhân viên kỹ thuật để phục vụ dây chuyền sản xuất trong dịp cuối năm. Công ty Hitachi đang tuyển 100 công nhân sản xuất phụ tùng cơ khí ô tô, xe máy với mức thu nhập 6,6-8,6 triệu đồng/người/tháng. Công ty TNHH Canon cũng đăng tuyển dụng 1.000 lao động 18-35 tuổi…

Anh Nguyễn Duy Linh, ở đường Nguyễn Tri Phương (quận Ba Đình) cho biết sau thời giản dài nghỉ việc do ảnh hưởng dịch Covid-19 cũng đã tìm được công việc mới ở một công ty giao vận với mức lương hợp lý. “Tôi tìm đọc thông tin tuyển dụng qua 1 trang fanpage thì ngay hôm sau đến phỏng vấn và được đi làm ngay. Thời gian giãn cách công ty bị thiếu hụt khá nhiều lao động nên cần bổ sung lại rất nhiều vị trí”, anh Linh chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Loan, Giám đốc Nhân sự, Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel cho biết, các trường hợp tạm thời dừng việc tại Viettel Post được thực hiện chính sách hỗ trợ để đảm bảo mức sống cơ bản. Đơn vị cũng đã giao cho người quản lý trực tiếp giữ liên lạc thường xuyên để nắm bắt tình hình và khó khăn của người lao động để có những chính sách hỗ trợ kịp thời, người lao động có thể tiếp tục trở lại làm việc bình thường.

Nhiều phương án cho thị trường lao động

Đánh giá về thị trường lao động trong thời gian tới, ông Vũ Quang Thành cho hay, với nhiều dấu hiệu khả quan về tốc độ tiêm chủng, tình hình kiểm soát dịch bệnh, thị trường lao động Hà Nội sẽ có tốc độ phục hồi trong những tháng cuối năm, nhất là nhu cầu tuyển dụng phục vụ nhu cầu mua sắm Tết.

Thị trường lao động Hà Nội dần khởi sắc
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành

Căn cứ vào tình hình thực tế, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã đưa ra dự báo 2 kịch bản dành cho thị trường lao động, việc làm của Hà Nội trong thời gian tới. Ông Thành cho biết, kịch bản thứ nhất được đưa ra khi dự báo tình hình dịch bệnh còn xuất hiện một số ca F0 mới nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, nhanh chóng khoanh vùng cách ly kịp thời. Số lượng ca F0 giảm dần, chủ yếu trong khu cách ly và phong tỏa, trung bình mỗi ngày ít hơn 10 ca nhiễm mới. Bên cạnh đó, kinh tế dần dần phục hồi trở lại, tuy nhiên, tốc độ phục hồi chậm.

Trong bối cảnh này, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội dự báo, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường khoảng 500-700 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp đăng ký mới khoảng 1.300-1.500 doanh nghiệp. Dự báo thị trường lao động với tỷ lệ thất nghiệp ở mức trung bình 2-2,2%, tình trạng thiếu việc làm được cải thiện.

Số lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 như giảm giờ làm, ngừng việc, giảm thu nhập khoảng 700-900 lao động. Số lao động bị thất nghiệp khoảng 4.000-5.000 lao động.

Với kịch bản thứ hai, dự báo về dịch bệnh chưa thể kiểm soát, số ca mắc mới trong cộng đồng ngày càng tăng. Xuất hiện các F0 ngoài cộng đồng. Với tình huống này, dự báo về tình hình doanh nghiệp, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường khoảng 1.000-1.200 doanh nghiệp. Dự báo tỷ lệ thất nghiệp ở mức 2,7-3%, tình trạng thiếu việc làm tăng.

Bên cạnh đó, số lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 như giảm giờ làm, ngừng việc, giảm thu nhập khoảng 1,6-1,8 triệu lao động. Số lao động bị thất nghiệp khoảng 9-11 nghìn lao động.

Thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tiếp tục triển khai công tác thu nhập việc làm trống, cập nhật thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp và nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động vào cơ sở dữ liệu cung cầu lao động. Đồng thời, sẽ tổng hợp phân tích dữ liệu để cung cấp thông tin thị trường lao động và tăng cường kết nối online giữa các doanh nghiệp và người lao động

Trước tình hình cung - cầu khó khăn về lao động của do hệ lụy của đại dịch Covid-19, hiện nay thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ phát triển thị trường lao động. Trước hết, thành phố đã đẩy mạnh việc hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ và chính sách hỗ trợ đặc thù của thành phố Hà Nội.

Đến thời điểm này, tổng nguồn lực thành phố hỗ trợ đã lên tới gần 2.000 tỉ đồng, với gần 3.500 đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 được thụ hưởng. Cùng với đó, thành phố cũng tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 để đảm bảo các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Thành phố cũng đã đẩy mạnh việc hỗ trợ vay vốn để tạo việc làm cho người lao động thông qua việc bổ sung 500 tỉ đồng qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người lao động trên địa bàn thành phố vay phục hồi sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tạo việc làm, khắc phục ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của thành phố, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bám sát triển khai việc thực hiện Nghị quyết 84/NQ -CP 2020 nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người lao động thích ứng với các điều kiện, hoàn cảnh thay đổi trong dịch bệnh.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Minh Châu