Thị trường dầu mỏ lo ngại việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran

10:54 | 28/06/2021

|
(PetroTimes) - Các cuộc đàm phán về gia hạn thỏa thuận hạt nhân Iran ở Vienna, Áo có vẻ như đã bị gián đoạn. Chánh văn phòng của cựu Tổng thống Iran Mahmoud Vaezi đã thông báo về việc Mỹ đồng ý dỡ bỏ các lệnh trừng phạt áp đặt lên Iran dưới thời cựu Tổng thống Mỹ D.Trump.
Thị trường dầu mỏ lo ngại việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ đã bác bỏ tuyên bố này. Hiện các bên tham gia thị trường đang lo ngại rằng, sau khi phía Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, Iran sẽ tăng mạnh xuất khẩu dầu. Điều này có thể dẫn đến mất cân bằng cung cầu trên thị trường.

Không vội mừng

Bộ Ngoại giao Mỹ đã bác bỏ tuyên bố của các quan chức Iran rằng, chính quyền Tổng thống Biden đã đồng ý dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt đối với Iran để đổi lấy một “thỏa thuận hạt nhân”, đồng thời cho biết hai bên chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng.

Theo hãng tin Reuters, một quan chức ngoại giao Mỹ cho biết, những quan chức tham gia đàm phán đang cố gắng đưa tất cả các vấn đề chính vào văn bản dự thảo trong suốt quá trình thảo luận. Tuy nhiên, khi một bên “chưa đồng ý về mọi thứ thì chưa thể thông qua bất cứ điều gì”. Còn theo thông báo của ông Mahmoud Vaezi, các bên đã đạt được thỏa thuận dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt mà cựu Tổng thống Trump đã áp đặt đối với các công ty hàng hải, dầu khí và bảo hiểm của Iran. Khoảng 1.040 lệnh trừng phạt dưới thời cựu Tổng thống Trump sẽ được dỡ bỏ và hai bên sẽ đạt được thỏa thuận nhằm đưa ra khỏi danh sách đen của Mỹ những quan chức cao cấp của Iran.

Theo báo cáo của các bên tham gia khác, thỏa thuận cuối cùng về việc gia hạn thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ và Iran vẫn chưa đạt được. Theo Bloomberg, Bộ Tư pháp Mỹ vừa mới chặn khoảng 30 trang web của Iran do đã có hành vi đưa tin sai sự thật và đánh lừa công luận Mỹ. Đáp trả lại, các quan chức Iran cho rằng, phản ứng của giới chức Mỹ đang phá hoại các cuộc đàm phán về việc nối lại thỏa thuận hạt nhân. Hãng thông tấn France-Press dẫn lời từ Mahmoud Vaezi cho biết, Iran đang sử dụng tất cả các biện pháp quốc tế hợp pháp cần thiết để lên án những hành động sai lầm của Mỹ. Động thái từ phía Mỹ là hành vi phá hoại vào thời điểm các cuộc đàm phán đang diễn ra.

Bên cạnh đó, sự tiến triển trong các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran về việc nối lại thỏa thuận hạt nhân đang bị cản trở bởi chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Iran của ứng viên Ibrahim Raisi - chính trị gia có quan điểm bảo thủ, chống phương Tây. Theo 1prime, sự ổn định của thị trường dầu phần lớn phụ thuộc vào kết quả đàm phán giữa Mỹ và Iran tại Vienna.

Iran chuẩn bị tăng sản lượng và xuất khẩu dầu

Iran đang chuẩn bị quay trở lại thị trường dầu mỏ quốc tế. Cuối tháng 5 vừa qua, một số hãng thông tấn phương Tây cho biết có khoảng 69 triệu thùng dầu được lưu trữ trong các kho nổi của Iran. Các chuyên gia phương Tây cho rằng, nếu các lệnh trừng phạt của Mỹ được dỡ bỏ, Iran có thể tăng sản lượng lượng vào cuối năm 2021 từ 500.000 thùng/ngày lên 1 triệu thùng/ngày. Vào cuối tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng công nghiệp dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh cho biết, sau khi phía Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, mục tiêu của Iran là tăng sản lượng khai thác dầu lên 6,5 triệu thùng/ngày.

Quốc gia này đang sản xuất khoảng 2,5 triệu thùng dầu/ngày, ít hơn nhiều so với năng lực khai thác. Nước này cũng đứng thứ hai trong OPEC và trữ lượng dầu khí đã được chứng minh, chỉ sau Saudi Arabia. Vào những năm 70 của thế kỷ XX, dưới thời của lãnh đạo Shah Mohammad Reza Pahlavi, Iran đã đạt sản lượng 6,5 triệu thùng/ngày. Năm 1977, nước này đã ghi nhận sản lượng cao kỷ lục, ở mức 7 triệu thùng/ngày. Dưới thời Shah, việc sản xuất dầu thô của Iran do các công ty dầu mỏ phương Tây thực hiện (trong đó có BP). Sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, Shah bị lật đổ, các giáo sĩ do lãnh tụ Ayatollah Khomeini lãnh đạo lần lượt lên nắm quyền. Các công ty dầu khí phương Tây dần dần bị “trục xuất” khỏi quốc gia này.

Theo Bộ trưởng Zanganeh, Iran có thể dễ dàng tăng xuất khẩu dầu. Kể từ đầu năm 2021, nước này đã nỗ lực tăng xuất khẩu dầu thô bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ. Một phần sản lượng xuất khẩu được giao hàng bí mật và không có thông tin về người mua. Hiện tại, nhà nhập khẩu lớn nhất dầu thô của Iran trên thị trường là Trung Quốc. Một tín hiệu đáng chú ý là các nhà máy lọc dầu nhà nước và tư nhân Ấn Độ đã thông báo kế hoạch nối lại hoạt động nhập khẩu dầu thô Iran sau khi các lệnh trừng phạt của Mỹ được dỡ bỏ. Ấn Độ hiện là nước nhập khẩu dầu lớn thứ ba trên thế giới. Quốc gia này tự tin rằng, hợp tác dầu khí là cơ sở phát triển quan hệ kinh tế Iran - Ấn Độ. Đại sứ Iran tại Ấn Độ gần đây đã đề xuất Ấn Độ sử dụng cảng Jask của Iran để dự trữ dầu thô chiến lược của Ấn Độ. Cảng Jask có vị trí địa lý thuận lợi như nằm ở Vịnh Oman, phía đông eo biển Hormuz. Cảng này có thể phát triển thành cảng biển xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất của Iran trong tương lai.

Trong tuần vừa qua, hãng thông tấn Shana (Iran) cho biết, công ty dầu khí ngoài khơi Iran (IOOC) dự kiến sẽ tăng đáng kể sản lượng khai thác tại mỏ dầu Abuzzar trên Vịnh Ba Tư. Các thành viên OPEC+ buộc phải tính đến khả năng tăng nhanh nguồn cung dầu mỏ của Iran sau khi Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Giới phân tích cho rằng, OPEC+ sẽ quyết định tăng sản lượng trong tháng 8 nhưng chỉ ở mức 500.000 thùng/ngày nhằm duy trì sự ổn định trên thị trường dầu mỏ.

Theo 1prime

Tiến Thắng