Thanh tra hàng loạt dự án lớn: Dream Town xây dựng khi chưa được cấp phép

09:47 | 19/03/2020

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Thanh tra TP Hà Nội vừa công bố kết luận sai phạm tại dự án Tổ hợp dịch vụ công cộng, văn phòng và nhà ở (tên thương mại Dream Town) tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm.
thanh tra hang loat du an lon dream town xay dung khi chua duoc cap phepBắc Ninh: Cấm bán căn hộ có ban công hướng trụ sở Tỉnh ủy cho người nước ngoài
thanh tra hang loat du an lon dream town xay dung khi chua duoc cap phepĐà Nẵng đề xuất đầu tư 4 dự án nhà ở 3.678 tỷ đồng
thanh tra hang loat du an lon dream town xay dung khi chua duoc cap phep
Dự án Dream Town do Công ty CP Cơ khí Xây dựng Đại Mỗ (COMA 6) làm chủ đầu tư

Dự án Tổ hợp dịch vụ công cộng, văn phòng và nhà ở Dream Town được xây dựng trên khu đất có diện tích 37.238 m2 tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Cơ khí Xây dựng Đại Mỗ (COMA 6).

Chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính

Dự án được UBND TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 12/5/2010 với thiết kế hai tòa nhà văn phòng dịch vụ cao 9 tầng, một tòa nhà hỗn hợp CT1 cao 25 tầng, hai tòa tòa nhà hỗn hợp CT2, CT3 cao 23 tầng.

Kết luận thanh tra vừa ban hành nêu rõ, Công ty Cổ phần Cơ khí Xây dựng Đại Mỗ đã sử dụng 37.238,6m2 đất tại xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm (nay là phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm) từ năm 1966 để sản xuất cơ khí.

Năm 2008, Công ty Cổ phần Cơ khí Xây dựng Đại Mỗ (COMA 6) tiến hành lập dự án và đề nghị UBND TP Hà Nội cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng 37 nghìn m2 đất thuộc sở hữu của công ty này. Đến năm 2009, COMA 6 chính thức được UBND Thành phố chấp thuận cho phép nghiên cứu lập và thực hiện dự án, tổng mức đầu tư ban đầu là 282,983 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Thanh tra TP Hà Nội, báo cáo tài chính năm 2008 (chưa được kiểm toán) của doanh nghiệp chỉ rõ, tính đến 31/12/2008, nguồn vốn chủ sở hữu của COMA 6 là hơn 24,1 tỷ đồng, chỉ bằng 11% tổng mức đầu tư dự án.

Trong khi đó Điểm a Khoản 3, Điều 22 Quyết định số 15/2007 ngày 23/01/2007 của UBND Thành phố quy định: Nội dung thẩm tra: Năng lực tài chính của nhà đầu tư với nguồn vốn chủ sở hữu không nhỏ hơn 20% tổng mức đầu tư của dự án do nhà đầu tư đề xuất.

Mặc dù đã được Sở Tài chính ra văn bản yêu cầu yêu cầu tiến hành các thủ tục bổ sung vốn điều lệ, tăng nguồn vốn chủ sở hữu theo đúng quy định hiện hành, thế nhưng Sở KH&ĐT đã không thực hiện yêu cầu công ty này bổ sung vốn điều lệ mà vẫn trình văn bản báo cáo UBND Thành phố đề nghị cho phép Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng Đại Mỗ nghiên cứu lập và thực hiện Dự án.

Tại thời điểm 2010, khi doanh nghiệp này lập hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Tổng mức đầu tư dự án đã lên tới 1.186 tỷ đồng. Trong khi đó nguồn vốn chủ sở hữu của COMA 6 ở thời điểm này là 13,7 tỷ đồng, bằng 1,1% tổng mức đầu tư dự án. Như vậy, tính đến thời điểm được cấp giấy chứng nhận đầu tư, Công ty này chưa đủ năng lực tài chính theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 12 Nghị định số 90/2006 của Chính phủ.

Ngày 20/12/2010, Công ty COMA 6 đã triển khai đầu tư xây dựng dự án. Thời điểm chủ đầu tư gửi thông báo khởi công và triển khai thi công xây dựng công trình thì Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch phân khu đô thị GS đều chưa được phê duyệt (phê duyệt ngày 26/7/2011).

Xây dựng trái phép, tự ý chuyển nhượng dự án

Theo kết luận thanh tra, dự án khởi công trước thời điểm thành lập quận Nam Từ Liêm (1/4/2014) theo Nghị quyết số 132 ngày 27/12/2013. Do đó, sai phạm này trách nhiệm thuộc về UBND huyện Từ Liêm, Đội thanh tra trật tự xây dựng huyện Từ Liêm, UBND xã Tây Mỗ thời điểm 2010 – 2014 đã buông lỏng quản lý và chủ đầu tư đã tự ý xây dựng dù chưa được cấp phép.

Kết quả thanh tra còn chỉ ra sai phạm khi Công ty COMA 6 đã tự ý chuyển nhượng phần công trình tòa nhà văn phòng, dịch vụ, thương mại VP1 cho Công ty cổ phần đầu tư phát triển nhà THC khi chưa được UBND Thành phố có văn bản đồng ý cho chuyển nhượng, vi phạm Khoản 3, Điều 48 Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2014.

Luật Kinh doanh bất động sản quy định: “Việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc đầu tư đồng ý bằng văn bản”.

Chủ đầu tư này cũng tự ý đưa Tổ hợp nhà ở vào sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu. Về vấn đề tiền sử dụng đất, Thanh tra Hà Nội cho biết, Công ty COMA 6 đang chậm 31 tỷ đồng tiền phạt chậm nộp tiền sử dụng đất; kê khai thiếu doanh thu chịu thuế thu nhập doanh nghiệp là 57 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, theo tìm hiểu Tổ hợp căn hộ chung cư của dự án Dream Town còn bị khách hàng tố ăn gian diện tích. Theo đó, năm 2014, chỉ khi dự án đến giai đoạn bàn giao nhà, khách hàng mới phát hiện chủ đầu tư đã tự ý thay đổi thiết kế căn hộ so với thỏa thuận ban đầu.

Không dừng lại ở đó, từ việc thay đổi thiết kế này, COMA 6 đã ngang nhiên yêu cầu khách hàng phải đóng thêm tiền do diện tích tăng hơn 1% (theo hợp đồng mua bán của COMA 6, nếu diện tích đo thực tế tăng hơn 1%, khách hàng sẽ phải trả thêm tiền cho phần tăng này). Theo phản ánh của cư dân, phần diện tích tăng này là do chủ đầu tư tính cả phần hộp kỹ thuật nằm ngoài diện tích căn hộ.

Ghi nhận thực tế của PV, hiện tại dự án đã hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xây dựng xong và đưa vào sử dụng 3 tòa chung cư CT1, CT2, CT3, khu nhà vườn, biệt thự, nhà trẻ, nhà bảo vệ, riêng hai tòa văn phòng chưa được xây dựng.

Ở thời điểm mở bán, dự án được giao dịch từ 18 triệu đồng/m2 (Đã bao gồm VAT, nội thất cơ bản).

https://batdongsan.petrotimes.vn/

Enternews.vn