Pháp muốn dẫn đầu về khí hydro?

07:00 | 10/06/2018

197 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 1-6-2018, Bộ trưởng Năng lượng Pháp Nicolas Hulot đã trình bày kế hoạch sử dụng khí hydro như công cụ chính cho quá trình chuyển đổi năng lượng của Pháp. Vậy, kế hoạch này là gì để giúp Pháp trở thành một quốc gia dẫn đầu thế giới về khí hyrdo?

Phát triển hydro kết hợp với điện tái tạo

Kế hoạch phát triển khí hydro để chuyển đổi cơ cấu năng lượng nhằm mục đích nhân rộng các ứng dụng khác nhau của khí hydro. Theo ông Nicolas Hulot, khí hydro có thể giúp lưu trữ điện, là nhiên liệu cho xe hơi, giúp tái chế khí CO2 và làm cho các quy trình công nghiệp trở nên sạch hơn.

phap muon dan dau ve khi hydro
Một trạm nạp khí hydro cho xe hơi ở Rotterdam, Hà Lan

Nhưng mục tiêu đầu tiên mà Bộ Năng lượng Pháp muốn nhắm đến là bổ sung và hỗ trợ cho sự phát triển của các lĩnh vực điện tái tạo. Thực vậy, trước sự phát triển mạnh mẽ và liên tục của điện tái tạo (điện gió, điện mặt trời), các giải pháp lưu trữ điện với quy mô lớn dự kiến sẽ cho phép các nước quản lý linh hoạt hơn sự cân bằng cung - cầu về điện. Lượng thặng dư của điện tái tạo trên lưới điện có thể được sử dụng để sản xuất khí hydro bằng điện phân nước (Power to gas - biến điện thành khí, dòng điện phân hủy phân tử nước thành hydro và oxy).

Nên nhớ rằng, việc sản xuất khí hydro hiện chủ yếu dựa trên các quy trình rất kinh tế nhưng chúng lại phát thải một lượng lớn khí nhà kính từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch (để sản xuất khí hydro hiện người ta dùng các phương pháp như oxy hóa hydrocacbon, khí hóa than...). Tại Pháp, việc sản xuất khí hydro chiếm khoảng 3% lượng phát thải CO2 của cả nước.

Do đó, Power to gas được trình bày là “phương tiện lưu trữ liên tục hiệu quả nhất của năng lượng tái tạo”.

Kế hoạch 100 triệu euro và 14 giải pháp

Kế hoạch phát triển khí hydro để chuyển đổi cơ cấu năng lượng còn nhằm mục đích cung cấp “động lực cần thiết để phát triển sản xuất khí hydro sao cho mọi người dân đều có thể sử dụng nhiên liệu này trong cuộc sống hằng ngày”, ông Nicolas Hulot giải thích.

Với lĩnh vực giao thông, kế hoạch dự kiến phát triển các phương tiện chạy bằng khí hydro, với mục tiêu là 5.000 xe cá nhân và 200 phương tiện hạng nặng như xe buýt, xe tải, tàu thuyền... vào năm 2023 và 100 trạm cung cấp khí hydro (lượng khí hydro cung cấp cho mỗi trạm sẽ được sản xuất ngay tại địa phương đặt trạm đó). Đến năm 2028, sẽ có 20.000-50.000 xe cá nhân, 800-2.000 xe hạng nặng và 400-1.000 trạm nạp khí hydro. Nên biết rằng, khí hydro có thể được sử dụng làm nhiên liệu trực tiếp cho các động cơ nhiệt chuyên biệt hoặc trong các thế hệ xe điện hiện nay (hydro được chuyển thành điện và nước mà không phát thải các chất gây ô nhiễm và CO2).

phap muon dan dau ve khi hydro
Sơ đồ sản lượng khí hydro toàn cầu

Về mặt an toàn, một khung pháp lý phải được thiết lập ngay từ giữa năm 2018 để giám sát quá trình xây dựng và phát triển các trạm phân phối khí hydro. Kế hoạch cũng dự kiến sẽ đề nghị thành lập một ủy ban lập pháp vào cuối nửa đầu năm 2018, chủ yếu để đánh giá vai trò của hydro trong ngành đường sắt.

Theo kế hoạch, khí hydro cũng có thể được bơm vào mạng lưới khí quốc gia với tỷ lệ giới hạn, hoặc được kết hợp bởi quá trình methan hóa với CO2 để tạo ra khí methane tổng hợp (với các tính chất tương tự như khí tự nhiên). Kế hoạch còn đặt ra mục tiêu là 10% lượng khí hydro sử dụng trong công nghiệp sẽ được khử cacbon trong năm 2023 và 20-40% vào năm 2028.

Nhật Bản đã đặt mục tiêu đầy tham vọng là phát triển 200.000 xe hơi chạy bằng khí hydro vào năm 2025 (gấp gần 100 lần số lượng xe của năm 2017) và 800.000 chiếc vào năm 2030.

Vào năm 2019, Cơ quan Môi sinh Pháp (Ademe) sẽ được cấp một khoản đầu tư trị giá 100 triệu euro để hỗ trợ ban đầu việc triển khai những công nghệ sản xuất và vận chuyển khí hydro ở tất cả các vùng lãnh thổ thuộc Pháp.

Nicolas Hulot cho biết, khi thông qua kế hoạch, ông muốn biến Pháp trở thành quốc gia đi đầu thế giới về khí hydro. Một nghiên cứu của Hãng McKinsey về sự phát triển hydro cho nền kinh tế Pháp, đã ước tính doanh thu hằng năm của ngành hydro ở Pháp vào năm 2030 khoảng 8,5 tỉ euro và tới 40 tỉ euro vào năm 2050.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nhiều nước khác dường như đã có một bước tiến dài trong lĩnh vực khí hydro.

Chẳng hạn, Nhật Bản đã đặt mục tiêu đầy tham vọng là phát triển 200.000 xe hơi chạy bằng khí hydro vào năm 2025 (gấp gần 100 lần số lượng xe của năm 2017) và 800.000 chiếc vào năm 2030.

Năm 2003, Tổng thống Mỹ G.Bush đã công bố một chương trình được gọi là “Sáng kiến nhiên liệu hydro” với quyết định dành 1,2 tỉ USD cho nghiên cứu và phát triển nhằm mục tiêu đến năm 2020, ôtô chạy bằng pin nhiên liệu hydro được thương mại hóa thành công trong thực tế.

S.P