Những hoạt động nào được mở lại khi thực hiện thích ứng an toàn mới?

07:27 | 13/10/2021

174 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Các hoạt động được mở lại theo 4 cấp độ dịch. Ở cấp độ 1 - trạng thái bình thường mới, các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, quán ăn, chợ truyền thống, hoạt động giáo dục, tham quan du lịch, biểu diễn nghệ thuật, thể thao… được phép hoạt động.
Những hoạt động nào được mở lại khi thực hiện thích ứng an toàn mới?
Lưu thông, vận chuyển hàng hóa nội tỉnh, liên tỉnh được hoạt động ở mọi cấp độ dịch (ảnh minh họa)

Đây là quy định mới nhất của Chính phủ trong Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” vừa được ban hành.

Trong nghị quyết, Chính phủ quy định rõ hoạt động của từng loại hình tương ứng với từng cấp độ dịch. Cụ thể, có 4 cấp độ dịch: Cấp 1 là nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh; cấp 2 là nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng; cấp 3 là nguy cơ cao tương ứng với màu cam; cấp 4 là nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.

Ở cấp độ 1, được tổ chức các hoạt động ngoài trời không hạn chế số người; lưu thông, vận chuyển hàng hóa nội tỉnh hoặc liên tỉnh cùng vận tải hành khách công cộng đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải được phép hoạt động (riêng đường hàng không và đường sắt theo quy định riêng).

Các hoạt động, dịch vụ khác được phép hoạt động gồm: Cơ sở sản xuất, đơn vị thi công các dự án, công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ bao gồm trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối; nhà hàng/quán ăn, chợ truyền thống; hoạt động bán hàng rong, vé số dạo; hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp; hoạt động nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, tham quan du lịch; biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao…

Riêng cơ sở kinh doanh các dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như vũ trường, karaoke, massage, quán bar, Internet, trò chơi điện tử, làm tóc (bao gồm cắt tóc), làm đẹp và các cơ sở khác sẽ được hoạt động hoặc hoạt động hạn chế, do địa phương quyết định.

Ở cấp độ 2, việc tổ chức các hoạt động ngoài trời; vận tải công cộng cùng hoạt động bán hàng rong, vé số dạo; hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp và cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, rạp chiếu phim… sẽ được tổ chức hoặc hoạt động nhưng hạn chế hoặc có điều kiện.

Riêng vũ trường, karaoke, massage, quán bar, Internet, trò chơi điện tử, làm tóc… sẽ ngừng hoạt động hoặc hoạt động hạn chế.

Ở cấp độ 3, không tổ chức hoặc tổ chức hạn chế, có điều kiện các hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời. Ngừng hoạt động hoặc hoạt động hạn chế, có điều kiện với vận tải hành khách công động đường bộ, đường thủy nội địa; hoạt động bán hàng rong, vé số.

Hoạt động giáo dục hoặc đào tạo trực tiếp; cơ quan, công sở; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; cơ sở nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, điểm tham quan du lịch, rạp chiếu phim… sẽ hoạt động hạn chế.

Ở cấp độ 4 - khi dịch có nguy cơ rất cao, hầu hết hoạt động, dịch vụ sẽ dừng tổ chức/ hoạt động hoặc hoạt động hạn chế. Riêng lưu thông, vận chuyển hàng hóa nội tỉnh hoặc liên tỉnh; cơ sở sản xuất và đơn vị thi công dự án, công trình giao thông, xây dựng được phép hoạt động.

Về tiêu chí đánh giá cấp độ dịch gồm: tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian; độ bao phủ vắc xin (lưu ý nhóm tuổi có nguy cơ cao, tỷ lệ tiêm mũi thứ nhất, tỷ lệ tiêm đủ liều); khả năng thu dung, điều trị của các tuyến. Bộ Y tế hướng dẫn các tiêu chí, phương pháp đánh giá và xác định cấp độ dịch.

Đáng chú ý, nghị quyết quy định rõ, căn cứ vào Hướng dẫn của Bộ Y tế về đánh giá và xác định cấp độ dịch và tình hình dịch trên địa bàn, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định chuyển đổi cấp độ dịch. Trong trường hợp nâng cấp độ dịch thì phải thông báo trước tối thiểu 48 giờ cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp biết, có sự chuẩn bị trước khi áp dụng.

Nghị định cũng cho phép áp dụng điều trị tại nhà đối với người nhiễm Covid-19 nhưng phải theo hướng dẫn của Bộ Y tế và quyết định của chính quyền địa phương phù hợp với điều kiện thu dung, điều trị tại địa phương và điều kiện ăn ở, sinh hoạt, nguyện vọng của người nhiễm Covid-19.

Nghị định được ban hành nhằm thực hiện thống nhất các quy định trong toàn quốc, tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đời sống sinh hoạt của nhân dân dần trở lại tình trạng bình thường mới, không để tình trạng cục bộ, cát cứ trong ban hành và thực hiện các giải pháp trên mức cần thiết gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội.

Tuy nhiên, căn cứ vào các hướng dẫn của Bộ Y tế và các bộ, ngành, các địa phương sẽ quyết định biện pháp hành chính phù hợp bao gồm quy định, hướng dẫn cụ thể về công suất, số lượng người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, văn hóa, văn nghệ, sự kiện tập trung đông người.

Chính phủ cho phép địa phương linh hoạt áp dụng các biện pháp bổ sung cụ thể nhưng không trái với quy định của Trung ương, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh và đi lại, sinh hoạt của nhân dân.

Trường hợp các quy định, hướng dẫn của Trung ương không phù hợp, khả thi thì kịp thời báo cáo cơ quan ban hành quy định, hướng dẫn. Cơ quan ban hành quy định, hướng dẫn phải có chỉ đạo ngay để tháo gỡ vướng mắc, đồng thời nghiên cứu sửa đổi quy định, hướng dẫn.