Nhiều kỳ vọng cho thị trường chứng khoán năm Quý Mão 2023

03:00 | 23/01/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Bỏ lại năm 2022 với nhiều biến động tiêu cực, bước sang năm mới Quý Mão 2023, thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá sẽ có sự phát triển tốt. Trong đó, kinh tế vĩ mô ổn định, dòng vốn đầu tư quốc tế hướng mạnh đến Việt Nam, Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế, cơ quan chức năng có nhiều chính sách hỗ trợ… là những lực đỡ quan trọng cho thị trường.
Số tài khoản chứng khoán tương đương 6,9% dân sốSố tài khoản chứng khoán tương đương 6,9% dân số
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Sau giai đoạn bùng nổ 2020 - 2021, năm Nhâm Dần 2022 đã chứng kiến thị trường sụt giảm mạnh cả về điểm số lẫn thanh khoản. Chỉ số VN Index từ vùng 1.500 điểm hồi đầu năm đã có lúc rơi xuống dưới 900 điểm vào giữa tháng 11/2022. Giá trị giải ngân cũng giảm mạnh từ mức trên 40 - 50 nghìn tỷ đồng/phiên xuống còn hơn 10 nghìn tỷ đồng/phiên, có phiên chỉ hơn 7 nghìn tỷ. Tất cả đã tạo nên một năm 2022 với nhiều biến động khó quên cho các nhà đầu tư.

Bước sang năm mới Quý Mão 2023, thị trường được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến khó lường bởi những khó khăn, lực cản từ năm cũ vẫn còn tồn tại. Dù vậy, vẫn có nhiều yếu tố đến cả từ trong nước và quốc tế sẽ tác động tích cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

Một là chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật đã bớt thắt chặt khi lạm phát bắt đầu có xu hướng hạ nhiệt. Sau 4 đợt tăng lãi suất liên tiếp ở mức 0,75%, đến tháng 12/2022, FED - Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - đã giảm mức độ tăng lãi suất xuống 0,5%. Nhiều nhà phân tích cho rằng, FED sẽ tiếp tục giảm mức độ tăng lãi suất trong năm 2023. Lãi suất được duy trì ổn định hoặc tăng nhẹ sẽ làm giảm nguy cơ dòng vốn ngoại rút khỏi thị trường Việt Nam, qua đó làm tăng thanh khoản, là lực đỡ cho thị trường.

Thực tế thị trường chứng khoán từ tháng 11/2022 cho đến những tuần đầu năm 2023 cũng cho thấy, khối ngoại mua ròng đạt hơn 30 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,5% tổng giá trị giao dịch trên HOSE. Theo đó, chỉ số VN Index cũng đã có dấu hiệu hồi phục từ giai đoạn giữa tháng 11 cho tới nay.

Hai là kinh tế Việt Nam được hưởng lợi từ chiến lược xoay trục của dòng vốn đầu tư quốc tế. Việc kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 khiến Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn khi các nước muốn chuỗi cung ứng giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Cùng với đó, vị trí chiến lược thuận lợi và chi phí sản xuất tại Việt Nam cũng rất cạnh tranh khiến các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm những địa điểm đầu tư thuận lợi và tiết kiệm chi phí hơn sẽ xem chúng ta là một lựa chọn hấp dẫn.

Ba là việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế giúp chúng ta gỡ bỏ được nhiều gánh nặng, bởi Trung Quốc vốn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, đặc biệt là nguyên vật liệu đầu vào. Bên cạnh đó, lĩnh vực nông nghiệp và du lịch của nước ta cũng sẽ được thúc đẩy trực tiếp từ việc mở cửa lại của nền kinh tế số 2 thế giới. Với nền kinh tế thế giới, Trung Quốc mở cửa trở lại cũng giúp chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu được kết nối lại, tạo sự phát triển chung cho toàn cầu. Tất cả đều mang lại tác động tích cực cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Bốn là tình hình kinh tế vĩ mô trong nước cũng khá tích cực. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (28/12/2022), GDP năm 2022 tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022 với mức tăng 8,02%, lạm phát được kiểm soát tốt khi CPI tăng 3,15% so với năm 2021, đạt được mục tiêu Quốc hội đặt ra. Kiểm soát tốt lạm phát, trong khi kinh tế tăng trưởng là điều kiện quan trọng để giữ lãi suất ở mức thấp, tạo thuận lợi cho dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán nhiều hơn, đồng thời tăng khả năng phục hồi của doanh nghiệp.

Báo cáo Triển vọng kinh tế châu Á của IMF (tháng 10/2022) cũng dự báo tăng trưởng GDP thực của Việt Nam cao nhất trong ASEAN, đạt 7% trong năm 2022 và 6,2% trong năm 2023.

Năm là các cơ quan quản lý tiếp tục có nhiều cố gắng trong việc cải thiện thị trường chứng khoán. Trong đó, tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, sửa đổi Luật Chứng khoán, các Luật, văn bản có liên quan; tiếp tục phát triển thị trường chứng khoán về quy mô đồng thời tập trung nâng cao chất lượng thị trường, nâng cao năng lực tài chính, khả năng cạnh tranh của các tổ chức tham gia thị trường; chú trọng đổi mới, áp dụng, phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho công tác quản lý, giám sát thị trường…

Sáu là bản thân thị trường chứng khoán Việt Nam cũng có nhiều yếu tố hấp dẫn. Chỉ số P/E (dựa trên số liệu lợi nhuận quá khứ) của thị trường Việt Nam hiện tại là khoảng 12 lần, trong khi các thị trường khác (Thái Lan, Philippines, Malaysia hay Indonesia) đều cao hơn Việt Nam (khoảng 16 lần). ROE (tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) của VN Index đạt khoảng 15%, cao hơn mức 9 - 10% của các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, tỷ giá ổn định là yếu tố quan trọng giúp Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm hơn tới thị trường Việt Nam.

Ngoài ra, những năm qua thị trường chứng khoán Việt Nam có sự bùng nổ với lượng lớn nhà đầu tư mới tham gia, nâng tổng số tài khoản giao dịch chứng khoán lên gần 6,9 triệu, tương đương 6,9% dân số. Đặc điểm này được giới chuyên gia đánh giá là động lực giúp thị trường bùng nổ trong vòng 3 - 5 năm tới.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Văn Hưng