Nhiều địa phương điều chỉnh quy định nhằm đảm bảo lưu thông hàng hóa

14:30 | 27/09/2021

209 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Một số địa phương đã ban hành văn bản điều chỉnh các quy định phòng chống dịch Covid-19 trên lĩnh vực vận tải nhằm đảm bảo lưu thông hàng hóa...

Tại Hà Nội,UBND thành phố giao các sở, ngành: GTVT, Công an thành phố, Công Thương, Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố trong tình hình mới đối với lĩnh vực vận tải.

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT về việc bảo đảm hoạt động vận chuyển, lưu thông, phân phối hàng hóa được thuận lợi, thông suốt và an toàn phòng, chống dịch.

Hà Nội cũng giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Công an thành phố, các sở: Y tế, Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan rà soát, tổ chức lại hoạt động vận tải.Quản lý, điều phối hoạt động vận chuyển, giao nhận hàng hóa, bưu gửi bằng xe mô tô, xe 2 bánh phù hợp với tình hình thực tiễn công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố, hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh; bảo đảm công tác vận chuyển, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân được thuận lợi, không gây ùn tắc giao thông...

Tại Lào Cai, UBND tỉnh vừa ban hành Văn bản số 4647/UBND-VX về việc áp dụng biện pháp giám sát, cách ly, phòng, chống Covid-19.

Trong đó quy định các phương tiện vận chuyển hàng hóa được qua chốt khi toàn bộ người trên phương tiện có phiếu xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính bằng phương pháp RT-PCR trong thời gian 72 giờ hoặc 24 giờ bằng phương pháp test nhanh.

Trường hợp không có phiếu xét nghiệm hoặc có nhưng đã quá thời gian quy định thì phải thực hiện test nhanh tại chốt có trả phí. Riêng đối với phương tiện có Giấy nhận diện QR Code còn thời hạn do ngành giao thông vận tải cấp (xe luồng xanh) được miễn chi phí xét nghiệm cho không quá 2 người/một phương tiện trong trường hợp có phiếu xét nghiệm test nhanh trong thời gian từ 24 đến 72 giờ.

Nhiều địa phương điều chỉnh quy định nhằm đảm bảo lưu thông hàng hóa
Ảnh minh họa

Tại Quảng Nam,UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 6596/UBND-KTN về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải hàng hải trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19.

Cụ thể, đối với phương tiện thủy nội địa: Trường hợp thuyền viên, người lái phương tiện xuất trình được bản chính Giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính, còn hiệu lực, Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, Chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên và khai báo y tế đáp ứng yêu cầu của Bộ Y tế và chính quyền địa phương thì cho phương tiện lưu thông qua vùng kiểm soát dịch.

Trường hợp thuyền viên, người lái phương tiện không xuất trình được bản chính Giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính còn hiệu lực hoặc chưa khai báo y tế thì triển khai thực hiện nghiêm việc test nhanh tại chỗ và tiếp tục hướng dẫn, xử lý theo quy định về phòng chống dịch.

Thuyền viên trên phương tiện thủy nội địa hạn chế tối đa việc lên bờ, chỉ lên bờ khi thực sự cần thiết và phải được sự cho phép của Biên phòng cửa khẩu cảng và các cơ quan có thẩm quyền có liên quan; Thuyền viên không tiếp xúc với thuyền viên tàu cập mạn; Thuyền viên phải đeo khẩu trang, găng tay, mũ bảo hộ khi ra ngoài cabin làm việc và thực hiện nghiêm các hướng dẫn của cơ quan chức năng về công tác phòng, chống dịch.

Kiểm soát phòng chống dịch tại cảng biển: Trước khi tàu biển vào cảng, tàu biển phải vào vị trí được chỉ định bởi Cảng vụ Hàng hải Quảng Nam để tiến hành các thủ tục kiểm dịch. Tàu biển chỉ được phép làm hàng sau khi thực hiện xong các thủ tục kiểm dịch y tế và được xác nhận của cơ quan y tế huyện Núi Thành hoặc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC); CDC hoặc cơ quan y tế huyện Núi Thành tiến hành kiểm tra, xét nghiệm thuyền trưởng, thuyền viên, người trên tàu và tổ chức đưa người bị nhiễm hoặc có nguy cơ nhiễm bệnh Covid-19 lên bờ, đảm bảo tàu biển an toàn khi cho tàu vào cảng làm hang; Tàu biển, phương tiện thủy nội địa, phương tiện vận tải hàng hóa đường bộ và các cá nhân khi ra vào khu vực cảng biển phải thực hiện nghiêm theo hướng dẫn tại Phần 2 Quyết định số 1589/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải.

Về kiểm soát dịch tại điểm xếp dỡ hàng hóa: Các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra tại các điểm giao, nhận hàng hóa, địa điểm lưu trú tạm thời cho người trên phương tiện; kiểm tra việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Người trên phương tiện, đội ngũ thuyền viên, ngưới lái phương tiện; phương tiện vận chuyển phải thực hiện nghiêm "nguyên tắc 5K" và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành.

Tại Sơn La, Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố, người điều khiển phương tiện và người trên phương tiện vận tải hàng hóa khi đến, về, đi qua địa bàn tỉnh Sơn La thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, lái xe, người trên phương tiện vận chuyển hàng hóa (gồm phụ xe, nhân viên bốc dỡ...) khi ra, vào địa bàn tỉnh phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trong suốt quá trình hoạt động vận tải theo quy định đối với từng cấp độ phòng, chống dịch. Yêu cầu lái xe, người trên phương tiện vận chuyển hàng hóa phải thực hiện khai báo y tế trước khi bắt đầu hành trình và đảm bảo xuất trình được mã QR kết quả khai báo y tế (trên điện thoại thông minh hoặc thiết bị phù hợp, bản giấy) khi có yêu cầu kiểm tra.

Ngoài ra, lái xe, người trên phương tiện vận chuyển hàng hóa ra, vào khu vực có dịch không phải cách ly y tế khi thực hiện đầy đủ các yêu cầu sau:

Tại các chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống Covid-19, các phương tiện vận chuyển hàng hóa có Giấy nhận diện phương tiện có mã QR thể hiện đầy đủ thông tin theo yêu cầu (chủ xe, loại xe; thông tin của lái xe và người trên phương tiện: Họ và tên, sổ điện thoại, ngày sinh, CMND/CCCD, giấy phép lái xe, giấy xét nghiệm Covid-19; thông tin về hành trình nơi đi, nơi đến, lộ trình di chuyến; loại hàng hóa vận chuyến); trường hợp thông tin chưa đầy đủ, chính xác nhưng người trên phương tiện xuất trình được bản chính giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm với SARS-CoV-2 (gọi tắt Giấy xét nghiệm) còn hiệu lực; giấy phép lái xe (đối với người điều khiến phương tiện), căn cước công dân hoặc chứng minh thư còn hiệu lực (đối với người phục vụ trên xe, nhân viên bốc, xếp dỡ hàng hóa đi theo), khai báo y tế đầy đủ và tự cập nhật lại các thông tin trên phần mềm tại địa chỉ https://vantai.drvn.gov.vn hoặc ứng dụng "Luồng xanh".

Còn phương tiện vận chuyển hàng hóa không có giấy nhận diện hoặc giấy nhận diện đã hết hiệu lực, người trên phương tiện xuất trình được bản chính giấy xét nghiệm còn hiệu lực, giấy phép lái xe (đối với người điều khiển phương tiện) căn cước công dân hoặc chứng minh thư còn hiệu lực (đối với người phục vụ trên xe, nhân viên bốc, xếp dỡ hàng hóa đi theo) và đã khai báo y tế đầy đủ.

Tại các điểm tập kết, trung chuyển, giao nhận, xếp dỡ hàng hóa, phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực đối với người điều khiển phương tiện, nhân viên phục vụ đi cùng. Thực hiện xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 (Nếu chưa có giấy xét nghiệm hoặc giấy xét nghiệm hết hiệu lực) và tự trả chi phí xét nghiệm. Người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa ghi chép đầy đủ hành trình vận chuyển, danh sách các trường hợp có tiếp xúc. Đối với người trên phương tiện vận tải: hạn chế rời khỏi cabin của xe; trường hợp rời khỏi cabin của xe phải thực hiện nghiêm "nguyên tắc 5K". Trường hợp người trên phương tiện vận tải hàng hóa không tiếp tục tham gia vận chuyển, áp dụng các biện pháp cách ly phù hợp theo quy định chung đối với các công dân khác.

Đối với đơn vị (người) giao, nhận hàng hóa tại địa bàn: Không tiếp xúc trực tiếp với người trên phương tiện; chủ động bố trí địa điểm nghỉ ngơi tạm thời cho người trên phương tiện đảm bảo phòng, chống dịch theo quy định trong trường hợp thời gian chờ xếp dỡ hàng hóa kéo dài.

Riêng đối với lái xe, người trên phương tiện vận chuyển hàng hóa thường xuyên phải vận chuyển hàng hóa vào các địa phương thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg thì ngoài các điều kiện, phải đảm bảo có chỗ ở riêng biệt (nhà nghỉ, khách sạn... do UBND huyện, thành phố quy định) và khai báo với Ban Chỉ đạo cấp xã khi về đến nơi ở.

Trường hợp không có chỗ ở riêng biệt thì lưu trú tại khu cách ly của các huyện, thành phố. Giao Ban chỉ đạo cấp xã và Tổ Covid cộng đồng giám sát các trường hợp này, đảm bảo không tiếp xúc với người xung quanh và phải xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR 3 ngày/lần (72 giờ/lần) trong suốt thời gian vận chuyển hàng hóa liên tỉnh.

Còn lái xe, người trên phương tiện vận tải hàng hóa từ các tỉnh, thành phố, địa bàn khác vào tỉnh Sơn La. Với phương tiện có giấy nhận diện, chỉ giao nhận hàng hóa tại các địa điểm đã đăng ký trên giấy nhận diện phương tiện. Phương tiện không có giấy nhận diện, thực hiện đăng ký điểm giao nhận hàng hóa tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch và giao, nhận hàng tại nơi đã đăng ký. Khai báo y tế bắt buộc theo quy định của Bộ Y tế; quá trình di chuyển, các trạm dừng chân, lái xe và những người trên xe phải cam kết chỉ dừng đỗ và hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp khi giao hàng, tiếp nhiên liệu. Trường hợp rời khỏi cabin của xe phải thực hiện nghiêm “nguyên tắc 5K”.

Tại Đồng Tháp,Sở Giao thông vận tải Đồng Tháp vừa có văn bản đề nghị các đơn vị liên quan triển khai thực hiện một số nội dung về việc tăng cường công tác vận tải hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm của nông dân và các nội dung liên quan vận tải trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, Sở GTVT yêu cầu đơn vị thực hiện nghiêm các nội dung tại Quyết định số 1570/QĐ-BGTVT ngày 24/8/2021 của Bộ GTVT về Hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải bằng xe ô tô trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, đối với Cảng vụ đường thủy nội địa phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa trên đường thủy nội địa (không yêu cầu giấy tờ khác ngoài giấy tờ đảm bảo hoạt động vận tải thủy và giấy tờ đảm bảo phòng, chống dịch) để tránh phát sinh thủ tục không cần thiết, hỗ trợ hiệu quả công tác phòng, chống dịch trên địa bàn và tránh sự đứt gãy chuỗi vận tải, logistics phục vụ sản xuất và cung ứng hàng hóa cho Nhân dân. Thông tin và khuyến khích các đơn vị cung ứng hàng hóa thiết yếu sử dụng phương thức vận tải đường thủy nội địa để vận chuyển hàng hóa trong nội tỉnh và liên tỉnh.

Trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới thủy, bộ phải thực hiện hoạt động kiểm định theo phương án “3 tại chỗ”; báo cáo kịp thời các vướng mắc và các vấn đề phát sinh về Cục Đăng kiểm Việt Nam và Sở GTVT. Đảm bảo chất lượng công tác kiểm định phương tiện; xây dựng quy trình kiểm định phù hợp để hạn chế tối đa sự tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ, nhân viên của đơn vị với lái xe nhằm ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Bên cạnh đó, sẵn sàng phương án để chống ùn tắc trong kiểm định khi các địa phương được dỡ bỏ giãn cách xã hội, đáp ứng nhu cầu kiểm định phương tiện để vận tải hàng hóa, hành khách tăng cao. Hỗ trợ tối đa thực hiện các thủ tục liên quan trong công tác đăng kiểm phương tiện thủy nội địa (thẩm định thiết kế, tiếp nhận kiểm tra phương tiện...) bằng hình thức trực tuyến và khẩn trương triển khai kiểm tra thực tế phương tiện để cấp hồ sơ đăng kiểm cho phương tiện được nhanh chóng, kịp thời nhưng phải bảo đảm điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tàu biển, phương tiện thủy nội địa theo quy định. Ngoài ra, công bố số điện thoại trực đường dây nóng của lãnh đạo đơn vị.

Bên cạnh đó, Thanh tra Sở GTVT phối hợp với Công an các huyện, thành phố thực hiện phân luồng để phương tiện vận tải hàng hóa được lưu thông thông suốt và đảm bảo an toàn giao thông.

Bộ GTVT yêu cầu các tỉnh bãi bỏ thủ tục không cần thiết

Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Công điện số 18/CĐ-BGTVT gửi Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 các địa phương về việc xóa bỏ các "giấy phép con", tạo thuận lợi, đảm bảo thông suốt hàng hóa.

Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ thị, công điện và chỉ đạo trực tiếp nhằm tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, nhu cầu đi lại của người dân trong tình hình dịch Covid-19. Tuy nhiên, tại nhiều tỉnh, thành phố vẫn còn những phương án tổ chức giao thông chưa hợp lý tại các chốt kiểm soát dịch Covid-19.

Trước thực trạng này, Bộ GTVT đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã rà soát quy định do địa phương ban hành chưa đúng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ngành, bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp.

Sau công điện khẩn của Bộ GTVT, Hà Nội rà soát, tổ chức lại hoạt động vận tảiSau công điện khẩn của Bộ GTVT, Hà Nội rà soát, tổ chức lại hoạt động vận tải
Tăng cường kiểm soát trật tự an toàn giao thông gắn với phòng chống dịch Covid-19Tăng cường kiểm soát trật tự an toàn giao thông gắn với phòng chống dịch Covid-19
Hà Nội: Kiến nghị bố trí đủ vắc xin, cân nhắc triển khai vận tải hàng không và đường sắt thương mạiHà Nội: Kiến nghị bố trí đủ vắc xin, cân nhắc triển khai vận tải hàng không và đường sắt thương mại
Bộ GTVT dự thảo lần 2 về kế hoạch vận tải sau nới giãn cáchBộ GTVT dự thảo lần 2 về kế hoạch vận tải sau nới giãn cách
TP HCM: Lên phương án đi lại và đón người lao động trở lại TP làm việc sau ngày 1/10TP HCM: Lên phương án đi lại và đón người lao động trở lại TP làm việc sau ngày 1/10
Khôi phục hoạt động vận tải: Cần tuân thủ quy định phòng chống Covid-19 và thống nhất cách làmKhôi phục hoạt động vận tải: Cần tuân thủ quy định phòng chống Covid-19 và thống nhất cách làm
Hàng không hoạt động như thế nào sau nới giãn cách?Hàng không hoạt động như thế nào sau nới giãn cách?

X.Hinh (Tổng hợp)