Mưa lũ tại Nam Trung Bộ khiến 10 người chết và mất tích, giao thông chia cắt

14:47 | 01/12/2021

103 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Mưa lũ ở các tỉnh Nam Trung Bộ đã khiến 10 người chết và mất tích; hơn 59.000 nhà dân bị ngập, giao thông bị chia cắt nhiều nơi, các địa phương đã phải sơ tán tại chỗ hơn 6.000 hộ.
Mưa lũ tại Nam Trung Bộ khiến 10 người chết và mất tích, giao thông chia cắt
Sạt lở đất gây ách tắc giao thông (ảnh: CP)

Theo báo cáo tại cuộc họp ứng phó mưa lũ tại miền Trung của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai sáng 1/12, mưa lũ kéo dài từ ngày 27/11 đến nay tại các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên đã khiến hơn 59.000 nhà dân bị ngập, 4.700 hộ dân ở Tuy An (Phú Yên) bị chia cắt, có nơi ngập sâu 1-2 m. Mưa lũ khiến 10 người chết và mất tích, trong đó 6 người ở Phú Yên. Các địa phương đã phải sơ tán tại chỗ hơn 6.000 hộ. Hơn 640 ha lúa và 188 ha hoa màu, hơn 2.800 gia cầm cũng thiệt hại trong mưa lũ.

Về giao thông, hiện tượng ngập và sạt lở gây ách ách tắc các tuyến quốc lộ 14H, 40B, Đông Trường Sơn (Quảng Nam); Quốc Lộ 24, 24C (Quảng Ngãi); Quốc lộ 1 (tuyến tránh An Nhơn, Bình Định); Quốc lộ 19C, 25, 27, 29 (Phú Yên) và một số tuyến tỉnh lộ, giao thông nông thôn.

Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương và bộ, ngành liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, yêu cầu Ban chỉ huy PCTT tỉnh Gia Lai, Phú Yên, Bộ Công thương, Tập đoàn điện lực Việt Nam tiếp tục theo dõi diễn biến mưa lũ, chỉ đạo vận hành hồ chứa để giảm lũ cho hạ du.

Cũng tại cuộc họp họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết đợt mưa lớn tại miền Trung sẽ kết thúc trong hôm nay. Trước đó, mực lũ trên một số sông ở miền Trung đã trên báo động 3, trong đó 2 điểm đạt xấp xỉ lũ lịch sử năm 1993 và 2013 là sông Kôn ở Bình Định và sông Ba ở Phú Yên.

Trong 10 ngày tới, khu vực miền Trung không có dấu hiệu xuất hiện các đợt mưa lớn. Từ nay đến cuối năm, khả năng xuất hiện đợt mưa cực đoan như những ngày qua là rất thấp.

Tuy nhiên, theo ông Trần Quang Hoài, Tổng cục Trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, đợt mưa này gần như là cuối cùng của năm 2021. Dù vậy các địa phương cùng ngành chức năng vẫn cần sẵn sàng tâm thế ứng phó nếu xuất hiện đợt mưa tiếp theo vì những ngày qua, các hồ chứa đã đầy nước, người dân mệt mỏi vì sản xuất và chăn nuôi thiệt hại nặng. Và trong hôm nay, nguy cơ ngập lụt vẫn rất lớn. Một số khu vực nhà dân xuất hiện tình trạng xung yếu thì lực lượng chức năng cần đưa người dân ra khỏi nhà...

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan nhận định đợt mưa vừa qua kéo dài nhiều ngày gây ngập lụt ở nhiều nơi, vượt quá sức chịu đựng của người dân, gây mệt mỏi cho cả người dân là cơ quan chức năng, nhưng nếu chủ quan thì sẽ xảy ra những điều đáng tiếc.

Chính vì thế, Bộ trưởng NN&PTNT yêu cầu ngành chức năng phối hợp với từng địa phương, sớm đưa cuộc sống của người dân bình thường trở lại. Theo ông Lê Minh Hoan, người dân đang rất khẩn trương để chuẩn bị bước vào mùa vụ mới, khôi phục sản xuất, chăn nuôi sau mưa lũ và chuẩn bị kinh tế để đón Tết. Do đó địa phương chủ động thống kê mọi thiệt hại một cách đầy đủ, kịp thời, các vấn đề về thiếu giống cây trồng cần báo cáo lại về Bộ để được hỗ trợ.

Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũCông điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ
Mưa lớn gây sạt lở, Quảng Nam sơ tán dân khẩn cấpMưa lớn gây sạt lở, Quảng Nam sơ tán dân khẩn cấp

T.H