LĐLĐ Việt Nam: Tìm nhiều cách để người lao động trở lại sản xuất

07:16 | 08/10/2021

165 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đề nghị các đơn vị thực hiện nhiều cách để động viên người lao động trở lại sản xuất. Trong đó, có các chế độ, chính sách giữ chân người lao động như trả “lương tạm nghỉ việc”, hỗ trợ tài chính tăng lương, thưởng, phúc lợi.

Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa có văn bản gửi liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan về việc thực hiện một số giải pháp hạn chế thiếu hụt lao động phục hồi sản xuất, kinh doanh.

ổng LĐLĐ Việt Nam cho biết do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, thời gian qua, một bộ phận công nhân lao động rời TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và các khu công nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam về quê tự phát. Tình trạng này có thể gây nhiều hệ lụy liên quan đến an toàn khi di chuyển, làm tăng nguy cơ thiếu hụt lao động phục vụ phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Do vậy, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục bằng nhiều hình thức, cách thức khác nhau để động viên người lao động tiếp tục trở lại doanh nghiệp khi doanh nghiệp bắt đầu sản xuất.

Các đơn vị chỉ đạo công đoàn cơ sở bàn bạc, thương lượng với người sử dụng lao động trong việc ban hành các chế độ, chính sách giữ chân người lao động như trả “lương tạm nghỉ việc”, hỗ trợ tài chính để người lao động tiếp tục duy trì, tổ chức cuộc sống gia đình, tăng lương, thưởng, phúc lợi khi doanh nghiệp đi vào sản xuất có hiệu quả.

Viết thư hoặc nhắn tin mời người lao động đã về quê sớm trở lại doanh nghiệp, bố trí phương tiện đón người lao động từ các địa phương hoặc chi trả, hỗ trợ tiền đi đường, các chi phí khác khi trở lại doanh nghiệp.

Tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ của Tổng LĐLĐ Việt Nam, các chương trình hỗ trợ của địa phương, tăng cường xã hội hóa nguồn lực hỗ trợ người lao động đặc biệt khó khăn hoặc người lao động đã về quê nay trở lại doanh nghiệp gặp khó khăn, giúp người lao động có điều kiện để bám trụ, sẵn sàng đồng hành với người sử dụng lao động phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đề nghị các đơn vị chủ động đề nghị chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi trong việc xác nhận, làm các thủ tục để người lao động có nhu cầu trở lại làm việc cho doanh nghiệp, đảm bảo quy định của Chính phủ về phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Tạo điều kiện đi lại làm việc thuận lợi, hỗ trợ tài chính cho người lao động là giải pháp tình thế để kêu gọi người dân trở lại tham gia lao động sản xuất. Thực tế đã chỉ ra, khó khăn đối với người lao động hiện nay là rất lớn.

Theo ông Phạm Thanh Trực - Phó trưởng ban quản lý các KCX-KCN TPHCM (Hepza), thống kê cho thấy có khoảng 31.000 lao động làm việc tại các KCX-KCN của TP HCM đã về quê. Trong khi đó, theo tính toán của ông Trực, chỉ tính riêng Hepza đã có đến hơn 200.000 công nhân thất nghiệp.

Còn theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, TP HCM có trên 470.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, trong đó hơn 15.000 doanh nghiệp FDI, với trên 3,2 triệu công nhân. Các doanh nghiệp này cũng có ít nhất hơn một nửa số công nhân đã về quê trong 2 đợt vừa qua. Vấn đề này và hàng loạt vấn đề khác liên quan đến chính sách, thể chế lao động đang được đặt ra thời "hậu Covid-19".

Bên cạnh đó, đợt dịch lần này cũng cho thấy đời sống của đa số công nhân vẫn còn thấp, thậm chí rất thấp. Họ không tích lũy, nhiều khu trọ, chỗ ở cho công nhân, người lao động còn rất tạm bợ, dễ phát sinh dịch bệnh và nhiều phúc lợi khác cần được cải thiện.