Khí hậu có thể phải trả giá khi các nhà máy điện hạt nhân của châu Âu “già” đi

15:00 | 25/12/2020

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Reuters mới đây đã có bài viết phân tích về tình hình phát triển điện hạt nhân của EU, nhất là khả năng đảm bảo nhu cầu năng lượng khi nhiều nhà máy đã trở nên lạc hậu và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Mỹ “xúi” Bulgaria từ bỏ dự án hạt nhân của NgaMỹ “xúi” Bulgaria từ bỏ dự án hạt nhân của Nga
Trung Quốc nỗ lực thoát khỏi phụ thuộc công nghệ phương TâyTrung Quốc nỗ lực thoát khỏi phụ thuộc công nghệ phương Tây
Khí hậu có thể phải trả giá khi các nhà máy điện hạt nhân của châu  Âu “già” đi

Tổng công suất điện hạt nhân tại Liên minh châu Âu được lên kế hoạch "đóng cửa" trong thập kỷ tới tương đương với công suất điện năng cung cấp cho 60 triệu hộ gia đình. Điều này gây ra thách thức cho các nhà sản xuất điện năng và các công ty tiện ích trong việc đảm bảo đủ nguồn điện năng sạch mà không làm tăng nguy cơ tăng phát thải carbon ra môi trường.

Năng lượng hạt nhân cung cấp khoảng 1/4 sản lượng điện của Liên minh châu Âu, với 15/27 nước thành viên sở hữu tổng cộng 107 lò phản ứng hạt nhân, cung cấp tổng công suất 100 GW điện. Đối với Vương quốc Anh (quốc gia đã rời Liên minh châu Âu), năng lượng hạt nhân đang đảm bảo khoảng 20% nhu cầu điện năng và đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu trung hòa carbon của vương quốc này.

Theo dữ liệu của Báo cáo tình hình công nghiệp hạt nhân thế giới năm 2020 cho thấy, 90/107 lò phản ứng hạt nhân tại EU đã bước sang tuổi thứ 31 (tính đến tháng 12/2020) và còn khoảng 9 năm nữa là hết hạn sử dụng (tuổi thọ 40 năm/lò phản ứng). Khó có thể xác định chính xác thời gian đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân cũ ở từng quốc gia, xong theo đánh giá của công ty tư vấn năng lượng Timera Energy, sẽ có khoảng 29 GW công suất điện hạt nhân tại Bỉ, Anh, Pháp, Đức, Italia, Hà Lan và Tây Ban Nha đã được lên kế hoạch "đóng cửa" vào năm 2030.

Mặc dù các nhà hoạt động chống năng lượng hạt nhân cho rằng, quá trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân gây phát thải nhiều carbon, nhưng không thể phủ nhận rằng, năng lượng hạt nhân không trực tiếp phát thải CO2 và giá trị năng lượng mà các nhà máy điện hạt nhân cung cấp là rất lớn. Theo ước tính của EDF Energy, một nhà máy điện hạt nhân có công suất 1,2 GW tại Anh có thể cung cấp điện cho hơn 2 triệu ngôi nhà tại nước này.

Nguyên nhân chính khiến các nhà sản xuất điện hạt nhân lên kế hoạch ngừng hoạt động các nhà máy là sự ăn mòn và hư hỏng các trang thiết bị nhà máy sau một thời gian dài hoạt động. Điều này làm tăng chi phí và khó khăn trong việc bảo trì. Bên cạnh đó, hầu hết các lò phản ứng không được trang bị thiết bị an toàn để đối phó với các mối đe dọa của thế kỷ XXI như các cuộc tấn công khủng bố, thảm họa thiên nhiên và tai nạn máy bay. Ngành công nghiệp hạt nhân của EU sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi số lượng lò phản ứng hạt nhân ngừng hoạt động gia tăng.

Thách thức đảm bảo nhu cầu điện vào mùa đông

Các nhà khai thác lưới điện tại Anh, Pháp, nơi sản xuất 70% điện năng từ năng lượng hạt nhân đã cảnh báo về tình trạng thiếu hụt nguồn cung điện trong mùa đông 2020 - 2021 khi nhu cầu điện thường ở mức cao nhất. Khi đối mặt với tình trạng thiếu điện, Anh, Pháp, Đức và Bỉ thường dựa vào nguồn điện nhập khẩu từ các nước khác trong EU. Trong tháng 10/2020, công ty điện lực National Grid của Anh cho biết, lưới điện kết nối với EU sẽ không bị ảnh hưởng sau khi nước này rời liên minh. Tuy nhiên, ngay cả khi việc nhập khẩu điện nay để chống đỡ tình trạng thiếu điện thì nguy cơ giá điện tăng cao trên thị trường là hoàn toàn có thể xảy ra.

Để giải quyết vấn đề này, Timera Energy cho biết, bảy quốc gia châu u nêu trên cần đầu tư ít nhất 25 tỷ euro cho công suất phát điện linh hoạt, cụ thể là các tổ máy điện khí vào năm 2025 và đầu tư 55 tỷ euro vào năm 2030. Các nhà máy điện khí có thể hoạt động linh hoạt theo chế độ bật/tắt, không giống như NLTT phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Vấn đề lớn nhất ở đây chính là khí thải ra môi trường.

Theo thống kê của công ty điện lực EDF (Pháp), sản lượng điện hạt nhân của nước này đã đạt khoảng 301 TWh kể từ đầu năm 2020 đến nay, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái do tác động của cuộc khủng hoảng Covid-19. Tại Anh cũng ghi nhận sản lượng điện hạt nhân giảm 11%. Giám đốc điều hành Hiệp hội công nghiệp hạt nhân Vương quốc Anh Tom Greatrex cho biết, mặc dù sở hữu nhiều dự án năng lượng tái tạo, song việc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân khiến nguồn cung điện ở Vương quốc Anh sẽ sụt giảm mạnh. Hậu quả là lượng khí thải trong quá trình sản xuất điện tại Anh có thể sẽ tăng lên từ năm 2025 do gia tăng công suất điện khí để bù đắp cho công suất điện hạt nhân bị xóa sổ.

Than cũng là một nhiên liệu dự phòng để bù đắp công suất điện thiếu hụt mặc dù phát thải carbon ở mức cao. Sau thảm họa hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản vào năm 2011, Chính phủ Đức đã đưa ra quyết định chính trị nhằm đẩy nhanh việc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân với tổng công suất 20 GW vào năm 2022, tuy nhiên vẫn cho phép các nhà máy nhiệt điện than hoạt động đến năm 2038 song song với phát triển các dự án điện tái tạo. Ngành năng lượng điện đang thúc đẩy phát triển nhiên liệu hydro để loại bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc vào năng lượng trên nền tảng carbon, song các công nghệ hydro vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển.

Việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở châu Âu cũng là một giải pháp đặt ra đối với các nhà điều hành và công ty tiện ích. Tuy nhiên, việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân hiện nay đang gặp nhiều khó khăn về đảm bảo tài chính, thiết kế kỹ thuật và các vấn đề về môi trường và đảm bảo an toàn. Trong số 52 dự án nhà máy điện hạt nhân đang xây dựng trên toàn cầu, ít nhất 33 dự án đang chậm tiến độ. Theo Báo cáo tình hình công nghiệp hạt nhân thế giới, không có dự án nhà máy điện hạt nhân mới nào được đưa vào hoạt động trong nửa đầu năm 2020. Tại EU, các dự án Olkiluoto (Phần Lan) và Flamanville-3 (Pháp) đã bị trì hoãn kéo dài và chi phí xây dựng đã vượt quá ngân sách. Dự án điện hạt nhân Hinkley Point C có công suất thiết kế 3,2 GW tại Anh, dự kiến phải tăng chi phí xây dựng từ 18 tỷ bảng Anh lên 21,5-22,5 tỷ bảng Anh. Pháp, một trong những quốc gia phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân nhiều nhất thế giới, ghi nhận không có lò phản ứng mới nào được khởi động từ năm 1999. Dự án Flamanville-3 đã gặp phải vấn đề về thiết kế. Việc khởi công dự án dự kiến phải lùi lại đến năm 2022.

Qua bài phân tích của Reuters có thể thấy vai trò quan trọng của nguồn năng lượng hạt nhân trong đảm bảo an ninh năng lượng và trong quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu. Sự bùng nổ công suất điện tái tạo không thể đảm bảo chắc chắn khả năng bù đắp công suất thiếu hụt khi các nhà máy điện than và điện hạt nhân dừng hoạt động. Do đó, EU sẽ phải đối mặt với sự gia tăng phát thải carbon từ các nguồn phát điện bổ sung (các tổ máy điện khí và nhiệt điện than) trong thập kỷ tới, nhất là khi nhiên liệu hydro "xanh" chưa thực sự sẵn sàng đáp ứng nhu cầu năng lượng của liên minh châu Âu trong một vài năm tới.

Viễn Đông

vietinbank
ajinomoto