Hiệp định (RCEP): Mở ra cơ hội thúc đẩy xuất khẩu thủy sản tại các thị trường tiềm năng

19:15 | 13/04/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, đơn giản, các thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ tạo thuận lợi cho thương mại, giảm thiểu các rào cản thương mại, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ mang lại lợi ích cho các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đặc biệt, là ngành Thủy sản khi xuất khẩu đến các đối tác thương mại hàng đầu.
Hiệp định (RCEP): Mở ra cơ hội thúc đẩy xuất khẩu thủy sản tại các thị trường tiềm năng
Ảnh minh họa, https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 nước đối tác của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand ký kết vào ngày 15/11/2020 bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 do Việt Nam làm Chủ tịch.

Đến ngày 2/11/2021, đã có 6 nước ASEAN; trong đó, có Việt Nam và 4 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand nộp lưu chiểu văn kiện phê duyệt/phê chuẩn Hiệp định RCEP của mình cho Tổng Thư ký ASEAN. Như vậy, Hiệp định RCEP đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Sau khi Hiệp định RCEP có hiệu lực đầy đủ với tất cả các nước tham gia ký kết, sẽ có 15 nước thành viên chiếm gần tới 30% của dân số thế giới (2,2 tỉ người) vào thời điểm năm 2020, trở thành một khối thương mại lớn nhất trong lịch sử, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu (26,2 nghìn tỉ USD) và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới xét về quy mô dân số.

Với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, đơn giản, các thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ tạo thuận lợi cho thương mại, giảm thiểu các rào cản thương mại, RCEP được kỳ vọng tạo ra một khu vực thương mại có quy mô lớn nhất thế giới, thúc đẩy các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu. Từ đó, giúp thúc đẩy hơn nữa sự phát triển kinh tế ASEAN, trong đó có Việt Nam và các đối tác.

Một trong những nội dung đáng chú ý nhất tại Hiệp định RCEP là sẽ tiến tới loại bỏ ít nhất 92% dòng thuế nhập khẩu giữa các quốc gia ký kết và thiết lập các quy tắc chung cho thương mại điện tử, thương mại và quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, hiệp định này cũng được thiết kế nhằm cắt giảm chi phí lẫn thời gian cho các thương nhân khi cho phép họ xuất khẩu hàng hóa sang bất kỳ quốc gia ký kết thỏa thuận nào mà không cần đáp ứng các yêu cầu riêng biệt của từng quốc gia như một số hiệp định trước đây.

Do vậy, Hiệp định RCEP dự kiến sẽ giúp tạo lập một thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, góp phần thúc đẩy việc thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam.

RCEP mang lại lợi ích cho các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đặc biệt là ngành Thủy sản khi xuất khẩu đến các đối tác thương mại hàng đầu và khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… nhờ quy tắc xuất xứ được nới lỏng. Cụ thể, với hàng thủy sản, các hiệp định FTA trước đây đều yêu cầu xuất xứ thuần túy ở Việt Nam, nhưng RCEP cho phép con giống, nuôi trồng tại Việt Nam và xuất khẩu mà vẫn được hưởng ưu đãi.

Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang hơn 160 thị trường trên thế giới, trong đó xuất khẩu sang các nước thành viên Hiệp định RCEP (chiếm 63,5% thị phần xuất khẩu thủy sản của Việt Nam) bao gồm ASEAN (6,7%) và Hàn Quốc (9,2%) ổn định, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc (16,5%) tăng trưởng mạnh nhất, xuất khẩu sang Nhật Bản (16,8%) cũng duy trì tăng trưởng khả quan. Những thành tựu trong những năm qua cũng là những dấu ấn để khẳng định vị trí của ngành Thủy sản Việt Nam, sẽ là một trong những ngành có đủ sức cạnh tranh và có thể xâm nhập mạnh hơn vào các quốc gia thành viên của RCEP.

Tuy nhiên, ngành Thủy sản Việt Nam cần cải thiện lợi thế so sánh để có đủ sức tham gia Hiệp định RCEP khi đa số thành viên trong RCEP như: Thái Lan; Trung Quốc…có cơ cấu và chủng loại xuất khẩu thủy sản tương đồng với Việt Nam.

Để nâng cao lợi thế so sánh của nhóm hàng thủy sản Việt Nam, một trong những yếu tố then chốt là phải hiểu thị trường hơn nữa để phát triển thị trường được tốt hơn. Việc chủ động nghiên cứu thị trường để nắm bắt xu thế hàng hóa của thị trường, hành vi của người tiêu dùng và tìm kiếm các đơn hàng phải là ưu tiên hàng đầu đối với các doanh nghiệp.

Ngoài ra, để tận dụng được những ưu đãi trong Hiệp định RCEP làm nâng cao lợi thế so sánh của ngành Thủy sản Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tìm hiểu thật kỹ quy tắc xuất xứ, đặc biệt là quy tắc xuất xứ cộng gộp nội khối; đồng thời cần đáp ứng tốt các quy định về Biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động - thực vật (SPS) và Rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT) của các nước nhập khẩu đối với sản phẩm thủy sản đang là khâu yếu của thủy sản Việt Nam.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Văn Thọ

tongcucthuysan.gov.vn

vietinbank
ajinomoto