Hấp dẫn Pù Mát

03:01 | 24/09/2022

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Vườn Quốc gia Pù Mát đang là điểm du lịch rất hấp dẫn bởi sinh thái, văn hóa rừng và văn hóa sắc tộc...
Phác thảo du lịch Đơn DươngPhác thảo du lịch Đơn Dương
Thiết lập hành trình khám phá Đạ TẻhThiết lập hành trình khám phá Đạ Tẻh

Ngôn ngữ dân tộc Thái, từ Pù nghĩa là đỉnh núi. Pù Mát là đỉnh núi cao nhất trong khu vực với 1.841 m được đặt tên cho Vườn Quốc gia (VQG). Ngày 31/7/2022, VQG Pù Mát được vinh danh Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2021, ghi nhận những nỗ lực về bảo tồn hệ sinh thái và các giá trị đa dạng sinh học.

Hấp dẫn Pù Mát
Du thuyền trên sông Giăng

Đa dạng, hấp dẫn với hệ sinh thái

Từ thành phố Vinh đến Vườn Pù Mát có nhiều tuyến đường đi thuận lợi, theo hướng Tây Bắc khoảng 160 km, trong đó tuyến bám QL 1A đến huyện Diễn Châu rẽ lên QL 7A hoặc bám QL 46A và QL 15 rồi đến QL 7A. Gần trưa, chúng tôi có mặt tại cầu treo Thanh Nam vắt qua thượng nguồn sông Lam và đến trung tâm trụ sở Vườn Pù Mát, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Những dãy núi chập chùng như vô số lưng những con ngựa khổng lồ nương vào nhau chạy dài. Đó là VQG Pù Mát. Báo cáo của Vườn cho biết, diện tích vùng lõi 94.275 ha, vùng đệm khoảng 100.000 ha, nằm trên địa giới hành chính 16 xã: 5 xã huyện Anh Sơn, 7 xã huyện Con Cuông và 4 xã huyện Tương Dương. Vườn có đường biên giáp nước Lào 61 km.

Pù Mát có đa dạng sinh học rất cao. Ghi nhận gần đây có trên 2.500 loài thực vật thuộc 160 họ và gần 1.000 loài động vật... Với 32 loài thú lớn, chiếm 33,7% tổng số loài thú lớn ở Việt Nam; 93 loài động vật thuộc danh lục IUCN (2007); 86 loài lưỡng cư và bò sát; 83 loài cá thuộc 56 chi, 19 họ; 459 loài bướm... Hàng chục loài động, thực vật thuộc Sách Đỏ Việt Nam (2007).

Quà tặng thiên nhiên Pù Mát là hùng vĩ, nguyên sơ. Nhiều thắng cảnh được tạo bởi núi, thác, hệ thống khe suối và các thảm thực vật nguyên sinh... Khu rừng Săng lẻ thuần loài rộng khoảng 100 ha; thác Kèm cao 150 m (là dải lụa trắng (Bổ Bố) theo cách gọi của người Thái, còn gần như nguyên sinh nhất ở Việt Nam theo đánh giá của giới khoa học). Phía đỉnh thác, những vạt nắng dát sắc vàng ươm trên các thảm lá; chân thác nước xối trắng xóa, sương khói choàng phủ rộng bãi tắm. Từ vô số các tảng đá kỳ thú hàng trăm con cá xúm vào mát xa da chân cho người tắm trong làn nước lạnh và trong vắt...

Từ thác Kèm đi ra có đập Phà Lài, phương ngữ là “hoa của trời”. Gần đó, nhà hàng nổi, bến du thuyền sông Giăng (khe Khặng). Ngược nguồn sông Giăng sẽ thỏa thê, mãn nhãn với những vách đá vôi sừng sững tạo bóng dáng lên dòng sông cùng muôn sắc hoa, lá, vô vàn loài bướm chao nghiêng và những chim, thú, những ruộng rẫy... Nhẹ nhõm trong khoáng đạt, an bình. Rời bãi tắm nơi thượng nguồn khách trở về nhà hàng nổi. Chỉ khi được thưởng thức các món ăn non nước Pù Mát mới cảm thấm lời dân gian: “Tiếng đồn cá mát sông Giăng/Dẻo cơm Kẻ Quạ, ngon măng Chợ Cồn”...

Ngoài khe Khặng, rừng nguyên sinh Pù Mát còn được bảo bọc rất nhiều khe hoang sơ như khe Thơi, khe Bu, khe Choăng, khe Kèm, khe Mọi... và những quần thể thực vật như: Cao Vều, Cò Phạt, Phà Lài... Khe suối chảy từ sườn Đông Trường Sơn ra biển tạo thành hệ thống các lưu vực riêng biệt với vùng sông Mê Kông. Rời sông Giăng vào vùng Môn Sơn, Lục Dạ khoảng 3 km là suối Mọc. Ô tô, xe máy đưa rất đông du khách đến để chiêm ngưỡng, trãi nghiệm sự kỳ thú của dòng suối này, đó là sự lưu thủy chẳng bắt đầu từ thượng nguồn lộ thiên mà nước từ lòng đất đội lên, dâng hiến làn trong xanh. Người dân cho biết, nước suối Mọc mát về hè và thu, ấm về đông. Mọi câu chuyện diễn ra ở đây đều thân thiện như Mẹ Thiên nhiên.

Văn hóa đặc sắc và du lịch cộng đồng

Đó là chỉ dấu của văn hóa đặc sắc, tinh tế và phong phú của cư dân bản địa, làm nên hồn cốt vùng sơn thủy Pù Mát. Ở đây có 3 dân tộc chính là Thái, Khơ Mú và Kinh, một số dân tộc khác là Mông, Đan Lai, Poọng, Ơ Đu và Tày. Đồng bào Thái chiếm 66,89% tổng số dân. Đâu cũng ẩn hiện những nếp nhà sàn làm homestay. Quá bộ qua cầu treo Khe Rạn, dọc mạn tả sông Lam là nơi quần cư của người Thái và tập trung homestay dưới sự bảo trợ của UNESCO và chính quyền. Rất nhiều vật dụng văn hóa lúa nước được trưng bày giới thiệu và cả bán, từ đồ đan lát đến đồ dệt thêu... Rất nhiều y phục thổ cẩm lung linh từ sắc màu đến hoa văn cho khách khoác lên mình chụp hình lưu niệm...

Các chủ homestay còn phục vụ khách theo nhu cầu về văn hóa ẩm thực và văn hóa - nghệ thuật. Rất thân thiện từ cung cách phục vụ đến giá cả. Nhảy sạp, uống rượu cần là đặc trưng của người Thái. Giao lưu, giao hòa giữa khách và chủ gần gũi bởi sức quyến rũ của múa xòe, múa chăm, múa lăm vông, điệu khắp, điệu xên..., sức dìu dặt, âm vang của tiếng khèn, tiếng cồng chiêng... Dân ca và dân vũ quyện hòa, văn hoá vật thể và phi vật thể ắp đầy không gian sinh hoạt, chân thực những cung bậc cảm xúc...

Nói về hoạt động du lịch cộng đồng tại vùng đệm VQG Pù Mát, ông Ngô Minh Hạnh, phụ trách Phòng Giáo dục môi trường và Du lịch sinh thái của Vườn cho biết: Loại hình du lịch này đang mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho người bản địa. Vừa giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái vừa bảo tồn, phát huy văn hóa độc đáo của địa phương... Sự bảo trợ của UNESCO và địa phương, chương trình đã phát triển trên 10 năm, ngày càng phong phú, đa dạng, gắn bó, đoàn kết và lan tỏa thân thiện... Hiệu quả rất rõ là góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc; tăng sinh kế cho người dân, giảm áp lực lên tài nguyên rừng. “Du lịch cộng đồng thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng, tạo một sản phẩm mỗi người từ chủ đến khách đều ý thức về trách nhiệm đối với môi trường và xã hội”, ông Ngô Minh Hạnh khẳng định.

Hấp dẫn Pù Mát
Rất đông du khách trải nghiệm với thác Kèm

Bài học hiệu quả theo ông Ngô Minh Hạnh là khâu tổ chức và lợi ích cộng đồng. Kinh nghiệm đúc kết bao gồm, chú trọng quy hoạch tổng thể; đội ngũ trình độ, năng lực quản lý điều hành; xây dựng đủ các nội quy, quy định và phối hợp; tuyên truyền quảng bá, giới thiệu; huy động người dân tham gia; xây dựng nhóm nòng cốt; nguồn tài trợ, chính sách, đầu tư, lồng ghép đầu tư; hoàn thiện homestay chất lượng cao...

Ngày 11, 12/8 vừa rồi, VQG Pù Mát được chọn tổ chức hội thảo kết nối các đơn vị du lịch lữ hành trên toàn quốc với sự tham gia của 20 đơn vị lữ hành, Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam’s Wildlife-SVW), Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch Nghệ An, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An. Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch nhấn mạnh: Du lịch nông thôn là một xu thế tất yếu và đáng khuyến khích. Bởi tiềm năng về cảnh quan nông thôn của Việt Nam còn nhiều dư địa để khai thác. Bên cạnh đó, sự đa dạng về thành phần đồng bào các dân tộc cùng sống xen kẽ tạo những đặc trưng văn hóa vùng, miền khác biệt. Còn Giám đốc SVW Nguyễn Văn Thái nhấn mạnh đến khía cạnh sự cần thiết việc tạo ra sinh kế thay thế cho cộng đồng người dân địa phương sống quanh vùng đệm. Gia tăng lượng khách du lịch, khảo cứu để lan tỏa tình yêu thiên nhiên và gửi thông điệp bảo tồn bền vững đến mọi người... Thành công tại VQG Pù Mát là những gợi ý quý giá cho ngành Du lịch Lâm Đồng và Đà Lạt phát triển khi thiên nhiên ưu ái có hai vườn quốc gia cùng với văn hóa đặc sắc của các dân tộc bản địa Tây Nguyên!

https://dulich.petrotimes.vn/

Minh Đạo/ Báo Lâm Đồng

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]