Hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu của VIB, ACB, OCB... đang lưu hành thị trường

07:23 | 17/09/2021

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Động thái nào khiến ngân hàng dồn dập huy động vốn qua kênh trái phiếu, mua bán vòng quanh?

Những "đại gia" phát hành trái phiếu

Tại báo cáo thị trường trái phiếu tháng 8, Hiệp hội Thị trường trái phiếu (VBMA) cho biết, nhóm ngân hàng tiếp tục dẫn đầu về khối lượng phát hành trái phiếu trong tháng 8 với giá trị phát hành là 10.854 tỷ đồng, chiếm 41,6% tổng giá trị phát hành. Trong đó bao gồm 2.324 tỷ đồng trái phiếu phát hành tăng vốn cấp 2 của BIDV, Vietinbank, VIB, MB và Viet Capital Bank.

Đáng chú ý, một số ngân hàng có khối lượng phát hành lớn bao gồm: VPBank (2.630 tỷ), OCB (2.000 tỷ), SHB (1.400 tỷ), đều là các trái phiều kỳ hạn 2 - 4 năm, lãi suất cố định 3,5% - 4,2%/năm.

Trong 8 tháng đầu năm, nhóm các ngân hàng thương mại tiếp tục dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 116.100 tỷ đồng. Trong đó có 24.186 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2, chiếm 20,8%; trái phiếu phát hành kỳ hạn ngắn 2 - 4 năm chiếm 78,3%, lãi suất thấp dao động từ 3% - 4,2%, cố định trong toàn bộ thời hạn của trái phiếu.

Không chỉ dẫn đầu về lượng phát hành trái phiếu, các ngân hàng thương mại còn là bên mua trái phiếu ngân hàng lớn nhất thị trường (mua bán chéo trái phiếu cho nhau) bằng hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua công ty chứng khoán.

Đơn cử, tính từ đầu năm đến giữa tháng 5/2021, VIB đã huy động được tổng cộng 4.000 tỷ đồng trái phiếu. Các lô trái phiếu này cũng được mua bởi một công ty chứng khoán trong nước, tuy nhiên VIB không nêu cụ thể nên không rõ nhà đầu tư chỉ là một hay ba công ty chứng khoán khác nhau.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2021 đã soát xét, tính đến 30/6/2021, ngân hàng VIB đã có hơn 28.760 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành trên thị trường, tăng 13% so với đầu năm. Như vậy, chỉ sau 6 tháng, đã có thêm khoảng 3.200 tỷ đồng trái phiếu của VIB lưu hành. Trong đó, trái phiếu từ 12 tháng đến dưới 5 năm ghi nhận 26.550 tỷ đồng.

Tương tự, tháng 5/2021 ACB đã phát hành thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu cho 2 công ty chứng khoán. Trái phiếu phát hành có kỳ hạn 3 năm và lãi suất 4%/năm, nhằm tăng quy mô vốn hoạt động của ngân hàng.

Hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu của VIB, ACB, OCB... đang lưu hành thị trường
Lượng giấy tờ có giá do VIB phát hành tính đến ngày 30/6/2021. (Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2021 đã soát xét)/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Tại thời điểm cuối quý 2/2021, ngân hàng ACB có hơn 27.455 tỷ đồng trái phiếu lưu hành, tăng 38% so với đầu năm (trái phiếu từ dưới 1 năm đến 10 năm), tương đương 6 tháng qua đã có thêm khoảng 7.600 tỷ đồng trái phiếu của ACB đang lưu hành trên thị trường.

Hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu của VIB, ACB, OCB... đang lưu hành thị trường
Lượng giấy tờ có giá do ACB phát hành tính đến ngày 30/6/2021. (Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2021 đã soát xét.)/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Hay tại ngân hàng OCB có hơn 15.377 tỷ đồng trái phiếu lưu hành (chủ yếu là trái phiếu từ 12 tháng đến 5 năm), tăng 28% so với đầu năm, tương đương từ đầu năm đến hết tháng 6/2021, OCB đã có thêm 3.400 tỷ đồng trái phiếu lưu hành.

Hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu của VIB, ACB, OCB... đang lưu hành thị trường
Lượng giấy tờ có giá do OCB phát hành tính đến ngày 30/6/2021. (Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2021)/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Thực tế, nguyên nhân khiến các ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu là do nhu cầu tăng vốn trung, dài hạn và tăng vốn cấp 2 để đảm bảo yêu cầu an toàn vốn của Ngân hàng Nhà nước.

Hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu của VIB, ACB, OCB... đang lưu hành thị trường
Số lượng trái phiếu lưu hành tại một số ngân hàng/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Cấp tập huy động vốn qua phát hành trái phiếu, mua bán vòng quanh?

trái phiếu ngân hàng có lãi suất thấp hơn rất nhiều so với trái phiếu doanh nghiệp (3-7%/năm, trong khi trái phiếu doanh nghiệp lãi suất thường 10%/năm) nhưng vẫn luôn 'cháy hàng' và các nhà đầu tư thu mua trái phiếu ngân hàng phần lớn đều là các công ty chứng khoán.

Đáng nói, các công ty chứng khoán đều có mối quan hệ mật thiết với ngân hàng, nên “trùm cuối” mua lại hầu hết trái phiếu ngân hàng trên thị trường vẫn là các nhà băng.

Theo đánh giá của SSI, việc ngân hàng tăng cường bán chéo trái phiếu cho nhau là bởi theo quy định tại Thông tư 34/2013/TT-NHNN, tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu phát hành trên sơ cấp của tổ chức tín dụng khác nên các công ty chứng khoán thường đứng ra làm trung gian, mua trái phiếu ngân hàng trên sơ cấp sau đó bán lại cho các tổ chức tín dụng khác. Tuy vậy, quy định này đã được gỡ bỏ nên các ngân hàng thương mại đã có thể trực tiếp mua chéo trái phiếu của nhau trên sơ cấp từ ngày 17/5/2021.

Ngoài ra, một số ngân hàng đang thừa vốn, khó tăng trưởng cho vay, nên tìm đến các kênh đầu tư khác, trong đó có trái phiếu.

Từ năm 2020 đến nay, việc áp dụng giãn, hoãn trả nợ theo Thông tư 01 và Thông tư 03 nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19 khiến một lượng lớn dòng tiền chưa thể về ngân hàng, dẫn đến việc một số ngân hàng bị thiếu hụt vốn và phải tăng phát hành trái phiếu riêng lẻ để bù đắp.

Đáng chú ý, một số chuyên gia nhận định, việc ngân hàng bán chéo trái phiếu cho nhau còn có sự thỏa thuận ngầm của một số ngân hàng để giúp nhau hạ chi phí vốn, tăng nguồn vốn trung, dài hạn. Giải pháp này giúp các ngân hàng đảm được tỷ lệ an toàn vốn, song cũng sẽ khiến bức tranh về quy mô vốn trung, dài hạn của một số tổ chức tín dụng trở nên thiếu thực chất.

Lo ngại về các biến tướng xung quanh hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng thương mại, phía Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 22/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp theo hướng siết chặt hơn nữa hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng. Tuy nhiên, phía ngân hàng cũng xuất hiện những "bất bình" trước đề xuất sửa đổi.

Trong Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 22/2016 quy định việc tổ chức tín dụng (TCTD) mua TPDN, các TCTD không được vay vốn của tổ chức tín dụng khác để mua TPDN.

TCTD cũng chỉ được mua TPDN khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo báo cáo tài chính thời điểm gần nhất đã được kiểm toán tại thời điểm mua, trừ trường hợp mua TPDN theo phương án cơ cấu lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đồng thời, TCTD chỉ được mua, bán TPDN khi đáp ứng các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định của pháp luật. TCTD cũng không được mua trái phiếu của doanh nghiệp phát hành có phát sinh nợ xấu TCTD mua và tại TCTD khác trong vòng 12 tháng gần nhất trước thời điểm quyết định phê duyệt mua.

Bên cạnh đó, TCTD không được mua TPDN phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành; không được mua TPDN phát hành có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác.

Ngoài ra, dự thảo cũng có thêm một số quy định khác nhằm quy định rõ các trường hợp các TCTD không được mua TPDN, hạn chế tình trạng lách chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Các TCTD phải xây dựng quy định nội bộ về mua bán TPDN phù hợp với đặc điểm hoạt động kinh doanh của mình.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Hà Phương - Huy Tùng

vietinbank
ajinomoto