Hạn chế chi phí lãi vay có thể khiến một giao dịch bị tính thuế 2 lần?

19:24 | 06/11/2020

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Hạn chế chi phí lãi vay có thể khiến một giao dịch bị đánh thuế 2 lần là ý kiến cho rằng bất cập từ Nghị định 20/2017/NĐ-CP.

Trước đó, ngày 24/2/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Sau hơn 3 năm áp dụng, Nghị định 20 bị đánh giá có nhiều bất cập.

Đơn cử, doanh nghiệp bị tăng lợi nhuận ảo, dẫn đến phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cao hơn và lợi nhuận thật của doanh nghiệp bị giảm đáng kể, không ít doanh nghiệp bị lỗ nặng. Theo đó, hàng ngàn doanh nghiệp với chục ngàn tỷ đồng tiền thuế không thể quyết toán được vì phải chờ những động thái sửa đổi của Bộ Tài chính.

Theo phân tích, quy định hạn chế chi phí lãi vay không vượt quá 20% EBIDA của người nộp thuế tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 có thể dẫn đến việc đánh thuế 2 lần đối với cùng một giao dịch trường hợp công ty mẹ phải đứng ra vay vốn ngân hàng sau đó chuyển vốn vay cho công ty con cho hoạt động, do cả công ty mẹ và công ty con đều bị loại chi phí lãi vay vượt 20% EBITDA?

Trên thực tế, mặc dù cùng là một công ty thành viên trong cùng tập đoàn nhưng không phải công ty thành viên nào cũng có thể tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng để thực hiện dự án mới và do vậy một công ty thành viên phải vay công ty thành viên khác hoặc công ty mẹ phải huy động vốn, kể cả các nguồn vốn tín dụng ngân hàng hoặc phi ngân hàng cho công ty thành viên, và như vậy nếu tổng chi phí lãi vay vượt quá 20% EBIDA thì cả công ty mẹ và công ty con đều phải nộp thuế khống 2 lần cho phần chi phí lãi vay vượt quá 20% EBIDA này? Đồng nghĩa, có thể dẫn tới tình trạng một giao dịch bị đánh thuế 2 lần.

​Ngoài ra, nếu công ty phát sinh phí bảo lãnh trên khoản vay với ngân hàng (là bên độc lập) cho bên liên kết thì lãi vay trả cho ngân hàng của bên liên kết cũng bị xem là thuộc phạm vi khống chế không vượt quá 20% EBITDA.

Hạn chế chi phí lãi vay có thể khiến một giao dịch bị tính thuế 2 lần?
Một giao dịch vay tiền. Ảnh minh họa.

Theo bà Đinh Mai Hạnh – Phó Tổng Giám đốc Tư vấn Thuế Deloitte Việt Nam phân tích trên Tạp chí điện tử tài chính, việc áp dụng mức khống chế chi phí lãi vay tại khoản 3, Điều 8, Nghị định số 20/2017/NĐ-CP, ngày 24/2/2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết cũng tham chiếu theo chương trình hành động số 4 của BEPS, có quy định như sau: Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế (EBITDA).

Tại Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định về hạn chế chi phí lãi vay: “Xác định chi phí để tính thuế trong một số trường hợp cụ thể đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đặc thù”, nhưng tại Thông tư số 41/2017/TT-BTCngày 28/4/2017chưa định nghĩa cụ thể về “giao dịch liên kết đặc thù”. Do vậy, nhiều doanh nghiệp (DN) thắc mắc liệu các giao dịch của công ty có thuộc phạm vi áp dụng Khoản 3, Điều 8 hay không?

Bên cạnh đó, một vấn đề gây băn khoăn khác là nếu DN có phát sinh giao dịch liên kết tức là thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP, nhưng giao dịch này không liên quan đến giao dịch vay, vậy liệu chi phí lãi vay trả cho ngân hàng thương mại tức là bên độc lập có chịu mức khống chế chi phí lãi vay không?

Việc hạn chế chi phí lãi vay vay tác động đến một số mô hình hoạt động đặc thù, ví dụ như tập đoàn trong nước hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con, hoặc doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực đòi hỏi vốn lớn như bất động sản. Mô hình công ty mẹ - con, trong đó công ty mẹ chuyên thực hiện chức năng quản lý vốn tập trung của tập đoàn đang trở thành một mô hình hoạt động phổ biến.

Tuy nhiên, để thực hiện dự án đầu tư cần tiếp cận nguồn vốn lớn, các công ty thành viên của các tập đoàn trong nước thường không đủ năng lực để được vay vốn từ các ngân hàng thương mại. Hơn nữa, tập đoàn huy động vốn tập trung thông thường sẽ có mức lãi suất ưu đãi hơn, giảm chi phí và tăng hiệu quả hoạt động. Do đó, các tập đoàn, tổng công ty phải huy động vốn tập trung tại công ty mẹ để chuyển vốn cho các công ty con, công ty thành viên.

Việc khống chế tổng chi phí lãi vay tạo rào cản trong việc cho vay nội bộ trong tập đoàn và cơ hội đầu tư dài hạn vào các ngành nghề cần vốn lớn, có thể làm phát sinh thêm chi phí do phải nộp thuế trùng đối với một giao dịch kinh doanh. Cụ thể là, bên cho vay phải nộp thuế TNDN đối với thu nhập từ lãi tiền vay, trong khi bên đi vay phải nộp thuế TNDN đối với chi phí tiền vay vượt mức khống chế.

​Mới đây, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với các DN có giao dịch liên kết có sau khi lấy ý kiến các bên liên quan.

Theo chuyên gia Trịnh Huy Quách - gia Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội phân tích trên báo Khoa học và Đời sống cho rằng, trong bối cảnh DN đang gặp khó khăn, Chính phủ đã đưa nhiều giải pháp hỗ trợ. Bộ Tài chính xác định chi phí lãi vay thuần được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh công với chi phí lãi vay thuần và chi phí khấu hao.

Như vậy, ngưỡng khống chế đã được nâng từ 20% lên 30% và khái niệm chi phí lãi vay được sửa thành chi phí lãi vay thuần (tổng chi phí lãi vay trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay), nhưng về dài hạn, cần xem xét thay đổi và chỉ nên áp dụng quy định đối với các DN có vốn đầu tư nước ngoài mà không áp dụng chung cho tất cả DN.

Mặc dù, Bộ Tài chính đã sửa đổi, nâng trần chi phí lãi vay từ 20% lên 30% và áp dụng chuyển chi phí lãi vay liên tục không qua 5 năm…nhưng vấn đề cốt lõi vẫn chưa được xử lý triệt để. Chuyên gia kinh tế cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi tổng thể Nghị định, quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết với nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế gặp bất lợi do Đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu như hiện nay…

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Đăng Trình (tổng hợp)