Hà Nội phủ kín quy hoạch được 86% diện tích

14:33 | 23/10/2019

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Đến nay TP. Hà Nội đã phê duyệt 57/68 đồ án (gồm 26/35 quy hoạch phân khu và 31/33 quy hoạch chung); tỷ lệ phủ kín quy hoạch được duyệt theo số lượng đồ án là 83%, theo diện tích là 86%, phấn đấu cơ bản phủ kín quy hoạch để tiến tới quản lý theo quy hoạch.
Hà Nội phủ kín quy hoạch được 86% diện tích
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Sửu phát biểu tại Hội nghị.

Tăng trưởng 7,35% trong 9 tháng

Báo cáo tại hội nghị lần thứ 20 BCH Đảng bộ Hà Nội khóa XVI, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Nguyễn Văn Sửu cho biết, kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm đạt được kết quả toàn diện: GRDP tăng 7,35% (cao hơn cùng kỳ là 7,01%); tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 185.031 tỷ đồng và đạt 70,3% dự toán (tăng 14,3% so với cùng kỳ).

Những nỗ lực này đã giúp xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2018 của Hà Nội tiếp tục tăng 4 bậc, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố, hoàn thành sớm 2 năm mục tiêu nhiệm kỳ. Đến nay, toàn thành phố đã có 6 huyện và 325/386 xã (chiếm 84,2%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 đạt 46,5 triệu đồng/năm (năm 2017 là 38 triệu đồng/năm).

Quản lý đô thị được đẩy mạnh; công tác chiếu sáng, chỉnh trang đường phố tiếp tục được đổi mới; cung cấp nước sạch, thoát nước và vệ sinh môi trường được duy trì, tăng quy mô và nâng cao chất lượng; tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè giảm cơ bản; trồng và chăm sóc cây xanh tiếp tục được đẩy mạnh, diện tích phủ xanh tăng cao so với cùng kỳ.

Đến nay, tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 của Hà Nội đã đạt 72% và phấn đấu đến hết năm 2019 đạt 80%. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6,7,8 (khóa XII) gắn với Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị tiếp tục được đẩy mạnh. Trong 9 tháng đầu năm, toàn Thành phố đã thực hiện 6 đợt tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP của Chính phủ với tổng số 191 người; 3 đợt về nghỉ hưu trước tuổi do không đủ điều kiện về tuổi tái cử với 62 người.

Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Văn Sửu, Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, xây dựng các huyện thành quận được lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát; thực hiện tốt công tác tinh giản biên chế, tuyển dụng, đào tạo công chức, viên chức. Công tác quốc phòng được củng cố, hoàn thành 100% chỉ tiêu tuyển quân; diễn tập phòng thủ diễn ra an toàn tuyệt đối, đạt kết quả tốt; an ninh chính trị, trật tự xã hội được đảm bảo; công tác đối ngoại được mở rộng và phát triển toàn diện, hợp tác với các tỉnh, TP trong cả nước được quan tâm đẩy mạnh, khẳng định rõ nét vị thế dẫn đầu của Thủ đô.

Nêu ý kiến về kết quả phát triển kinh tế, Giám đốc Sở Công thương Lê Hồng Thăng cho rằng trong quý IV, tăng trưởng của Thành phố phải đạt 7,5% mới hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng cả năm 2019. Theo đó, một trong những giải pháp cần tập trung thực hiện là triển khai tốt Tháng khuyến mại năm 2019 và chuẩn bị, cân đối cung cầu hàng hóa trong 3 tháng cuối năm, nhất là bổ sung cho nguồn thịt lợn dự báo sẽ thiếu hụt. Các quận, huyện cần tích cực triển khai phát triển các cụm công nghiệp đã được Thành phố phê duyệt.

Đang hoàn thiện quy hoạch phân khu nội đô

Trong 9 tháng năm 2019 các quy hoạch xây dựng và phát triển nhà ở được đẩy nhanh tiến độ; hạ tầng đô thị được duy trì tốt. Đến nay, Thành phố đã phê duyệt 57/68 đồ án (gồm 26/35 quy hoạch phân khu và 31/33 quy hoạch chung; tỷ lệ phủ kín quy hoạch được duyệt theo số lượng đồ án là 83%, theo diện tích là 86%); 10 đồ án khác đang được hoàn chỉnh... Đến nay, quy hoạch phân khu nội đô đã được hoàn chỉnh, đang hoàn thiện để lấy ý kiến Bộ Xây dựng; quy hoạch chung đô thị vệ tinh Hòa Lạc đã gửi Bộ Xây dựng thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ.

Đối với quy hoạch 5 khu nhà ở xã hội tập trung, Thành phố đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 2 khu (xã Tiên Dương, huyện Đông Anh), phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch 1 khu (xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì), xem xét điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch 1 khu (xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm) và đang xây dựng nhiệm vụ quy hoạch 1 khu (xã Đại Mạch, huyện Đông Anh). Tổ chức thống kê rà soát và xác định 311/386 xã thuộc 17 huyện phải lập điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới. Đến nay, UBND các huyện đã phê duyệt nhiệm vụ 225/311 xã, phê duyệt 215 quy hoạch chung xã nông thôn mới theo thẩm quyền. Trong đó, có 10 huyện (Ứng Hòa, Mỹ Đức, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Hoài Đức, Phú Xuyên, Mê Linh) đã hoàn thành điều chỉnh quy hoạch chung các xã.

UBND các quận đang triển khai thực hiện 12 quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc làm cơ sở quản lý trật tự xây dựng. Tiếp tục hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch, kiến trúc 4 quận nội đô (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa) để lấy ý kiến Bộ Xây dựng. Tiếp tục triển khai thực hiện các quy hoạch: Quy hoạch phân khu đô thị khu vực Ga Hà Nội và phụ cận; Quy hoạch chi tiết bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại Vạn Phúc, quận Hà Đông và Bát Tràng, huyện Gia Lâm; Quy hoạch mạng lưới không gian bãi đỗ xe ngầm trên địa bàn 04 quận trung tâm; Quy hoạch các khu chung cư cũ.

Đánh giá chung của các đại biểu cho thấy, trong 9 tháng năm 2019, quản lý và phát triển đô thị chuyển biến tích cực; các quy hoạch xây dựng và phát triển nhà ở được đẩy nhanh tiến độ; hạ tầng đô thị được duy trì hiệu quả. Để tiếp tục quản lý tốt đô thị, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn kiến nghị Thành phố xem xét, tăng cường phân cấp mạnh hơn cho cơ sở, nhất là lĩnh vực quản lý đô thị để cấp quận có thể xử lý nhanh những vấn đề, sự cố về đô thị mà cử tri phản ánh.

https://batdongsan.petrotimes.vn/

chinhphu.vn

vietinbank
ajinomoto