Giao lưu trực tuyến: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và liên minh Châu Âu (EVFTA) trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ

11:49 | 28/12/2020

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào ngày 8/6/2020 được coi là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

EVFTA được kỳ vọng là cú hích lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, lâm thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên quy mô toàn cầu.

Giao lưu trực tuyến: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và liên minh Châu Âu (EVFTA) trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ
Giao lưu trực tuyến: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và liên minh Châu Âu (EVFTA) trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ
Toàn cảnh buổi giao lưu

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra nhanh chóng, tăng trưởng kinh tế của các quốc gia được thúc đẩy chủ yếu bởi tiến bộ công nghệ dựa trên tri thức, sở hữu trí tuệ đã trở thành chủ đề quan trọng trong đàm phán EVFTA. Hiệp định đã dành một chương lớn (Chương 12) quy định về sở hữu trí tuệ với nhiều cam kết về tiêu chuẩn bảo hộ sở hữu trí tuệ. Với các cam kết này, EVFTA được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu bảo hộ của chủ thể quyền. Việc thi hành các nghĩa vụ theo Hiệp định sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp Việt Nam có thể xác lập và bảo vệ thành quả đầu tư cho hoạt động sáng tạo, từ sáng tạo đổi mới công nghệ, mẫu mã, bao bì đến nhãn hiệu sản phẩm và dịch vụ một cách dễ dàng hơn. Tuy nhiên, việc chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nghiêm minh hơn (hay nói cách khác chế độ thực thi quyền sở hữu trí tuệ hà khắc hơn) có thể khiến doanh nghiệp của Việt Nam phải chịu gánh nặng đối với các thủ tục kiểm soát (ví dụ như kiểm soát tại biên giới), đặc biệt là khi bị rơi vào tranh chấp, kiện tụng kể cả trong trường hợp kinh doanh xâm phạm ngay tình. Bên cạnh đó, việc thực hiện cơ chế đền bù thỏa đáng nếu thời hạn khai thác sáng chế là dược phẩm bị rút ngắn do chậm trễ trong khâu xử lý đơn xin cấp phép lưu hành dược phẩm có thể là gánh nặng cho ngân sách...

Để hiểu rõ hơn về vấn đề sở hữu trí tuệ trong Hiệp định EVFTA, đặc biệt là vấn đề thực thi quy định về sở hữu trí tuệ, Tạp chí KH&CN Việt Nam phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ” vào ngày 17/12/2020. Tham gia buổi giao lưu có:

- Ông Phan Ngân Sơn - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ

- Bà Đỗ Thị Hạnh - Phó Trưởng phòng Pháp chế và Chính sách, Cục Sở hữu trí tuệ

- Ông Nguyễn Hữu Cẩn - Phó viện trưởngViện Khoa học Sở hữu trí tuệ

- Luật sư Lê Quang Vinh - Giám đốc Bộ phận sở hữu trí tuệ Công ty Luật Bross và cộng sự

- Ông Nguyễn Duy Tuyến - Giám đốc Công ty Cổ phần sản xuất thương mại dịch vụ Trường Phát...

Tại buổi giao lưu, các chuyên gia đã trao đổi, chia sẻ những nét chính về cam kết sở hữu trí tuệ trong EVFTA, phân tích Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp khi EVFTA có hiệu lực, đặc biệt là việc thực thi quyền SHTT tại Việt Nam đối với doanh nghiệp, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý… Trên cơ sở đó, đưa ra một số khuyến nghị với cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp… nhằm góp phần giúp các tổ chức, cá nhân trong nước có thể tận dụng tối đa những cơ hội từ EVFTA.

https://dulich.petrotimes.vn/

Vân Anh