Giải pháp ứng phó thuế tối thiểu toàn cầu không ảnh hưởng vốn FDI

08:29 | 17/05/2023

29 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong 1-2 tháng tới, Việt Nam sẽ có giải pháp ứng phó thuế tối thiểu toàn cầu rõ ràng, cụ thể để không ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn đầu tư.

Ông Đỗ Văn Sử - Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư) đã thông tin về giải pháp ứng phó của Việt Nam với thuế tối thiểu toàn cầu. Đây là nội dung đang được nhiều nhà đầu tư FDI quan tâm trong thời gian gần đây.

Tính đến cuối tháng 4/2023, Việt Nam đã thu hút được gần 446 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài; (FDI), trong đó, gần 280 tỷ USD đã được giải ngân. Nhiều tập đoàn đa quốc gia với công nghệ hiện đại đang mở rộng đầu tư tại Việt Nam, với chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng.

Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Văn Sử
Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Văn Sử

Tuy nhiên, môi trường kinh doanh và đầu tư toàn cầu đang thay đổi đáng kể dưới tác động của những yếu tố địa chính trị phức tạp, những biến cố chưa từng có tiền lệ như đại dịch Covid-19, những thách thức đa phương như biến đổi khí hậu hay những vấn đề mới nảy sinh như chính sách về thuế tối thiểu toàn cầu… Tất cả những vấn đề trên đã ảnh hưởng không chỉ đến đà phục hồi mà còn thúc đẩy sự chuyển dịch dòng vốn FDI diễn ra nhanh, mạnh mẽ hơn trên toàn thế giới, mang đến nhiều sự thay đổi trong các quyết sách đầu tư.

Trong đó, có thể kể đến sự chững lại của dòng vốn FDI vào Việt Nam thời gian gần đây, dù Việt Nam vẫn được nhìn nhận như một điểm đến đầu tư rất hấp dẫn và đầy tiềm năng.

Ông Đỗ Văn Sử cho biết: năm 2022-2023, số lượng dự án tăng đầu tư khoảng 16-22% so với cùng kỳ năm trước, số vốn đầu tư bình quân từ 15-16 triệu USD. Tuy nhiên, dòng vốn đầu tư có sự suy giảm bởi số vốn đầu tư từ những “đại bàng” - các dự án của các tập đoàn lớn trên giảm.

Ông Đỗ Văn Sử đề cập đến có hai nguyên nhân đáng lưu tâm.

Thứ nhất, do tác động của thuế tối thiểu toàn cầu. Các tập đoàn lớn là đối tượng chịu tác động của chính sách thuế này và đang có sự cân nhắc, xem xét các phản ứng chính sách từ các quốc gia thu thuế lẫn các quốc gia nhận đầu tư.

"Trong 1-2 tháng tới, chúng tôi sẽ có giải pháp rõ ràng, cụ thể để không ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư cũng như đưa ra 3 mục tiêu chính của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu của Việt Nam. Đó là giữ chân các nhà đầu tư hiện hữu, đủ sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư mới và đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa các nhà đầu tư, giữa các thành phần của nền kinh tế" - Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài cho biết thêm.

Việt Nam thực hiện các giải pháp, chính sách đột phá, khả thi thu hút đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới
Việt Nam thực hiện các giải pháp, chính sách đột phá, khả thi thu hút đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới

Thứ hai, nguyên nhân này ít được để ý hơn. Đó là sự mất giá của đồng tiền bản tệ mà các quốc gia thuộc top 5 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam đã trải qua. Cuối năm 2022, đồng yên Nhật mất giá khoảng 27% so với đồng USD, đồng won của Hàn Quốc mất giá khoảng 22%.

Với tỷ giá suy giảm như vậy, vốn đầu tư ra nước ngoài đã chịu thiệt hại tương ứng. Trong thời gian gần đây, vấn đề tỷ giá có sự hồi phục, nhưng trong giai đoạn 2021-2022, tác động thực tế rất lớn.

"Các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài càng nhiều, sự mất cân đối vì chênh lệch tỷ giá khi đầu tư ngoại tệ càng lớn khiến doanh nghiệp trì hoãn dự án đầu tư mới. Trong đó, Việt Nam không phải là ngoại lệ" - ông Đỗ Văn Sử cho hay.

Thời gian tới, trong các giải pháp đột phá thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tham mưu sửa đổi cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư nước ngoài đảm bảo không trái với các quy định và cam kết quốc tế, hài hòa lợi ích giữa các bên; tiếp tục cải cách, tạo lập được môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất, hướng đến các chuẩn mực của OECD.

Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện thuận lợi về mặt bằng sạch, cơ sở hạ tầng, nguồn cung lao động có tay nghề, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong nước… nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Ứng phó thuế tối thiểu toàn cầu: Cần xây dựng chính sách ưu đãi phù hợpỨng phó thuế tối thiểu toàn cầu: Cần xây dựng chính sách ưu đãi phù hợp
Ứng phó thuế tối thiểu toàn cầu: Chính sách hỗ trợ về chi phí là hàng đầuỨng phó thuế tối thiểu toàn cầu: Chính sách hỗ trợ về chi phí là hàng đầu
Ứng phó thuế tối thiểu toàn cầu: Khẩn trương sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệpỨng phó thuế tối thiểu toàn cầu: Khẩn trương sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp