Giá xăng dầu hôm nay 31/1: Bước vào giai đoạn khó khăn

08:16 | 31/01/2021

9,058 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Tính chung trong tháng 1/2021, giá dầu thế giới đã tăng gần 8%. Tuy nhiên, trước diễn biến của dịch Covid-19 cũng như việc nhiều nước châu Á bước vào kỳ nghỉ lễ kéo dài, giá xăng dầu hôm nay được ghi nhận có xu hướng giảm.
Giá vàng hôm nay 31/1: Xuống tiền bắt đáyGiá vàng hôm nay 31/1: Xuống tiền bắt đáy

Sau tuần giao dịch với xu hướng giảm, giá dầu thế giới khởi động tuần giao dịch từ 25 – 29/1 tiếp tục ghi nhận nhiều áp lực giảm giá trên thị trường dầu thô.

Giá xăng dầu hôm nay 31/1: Bước vào giai đoạn khó khăn
Ảnh minh hoạ

Theo số liệu được Viện Dầu mỏ Mỹ công bố ngày 20/1, dự trữ dầu thô của nước này đã tăng 2,6 triệu thùng trong tuần trước, trái ngược hoàn toàn với con số dự báo giảm 1,2 triệu thùng mà các nhà phân tích đã đưa ra trước đó.

Số liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ đã bất ngờ tăng khoảng 4,4 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 15/1, trái với đồn đoán giảm 1,2 triệu thùng.

Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, buộc các nước phải áp dụng các biện pháp phong toả, giãn cách xã hội, thậm chí kêu gọi người dân không di chuyển, đã làm gia tăng lo ngại về khả năng tiêu thụ dầu thô.

Trong khi khả năng tiêu thụ dầu thô xuất hiện tín hiệu tiêu cực thì nguồn cung trên thị trường được ghi nhận lại khá dồi dào.

Theo một báo cáo được công bố ngày 14/1, tổng sản lượng dầu thô của OPEC đạt 25,36 triệu thùng/ngày trong tháng 12, tăng 278.000 thùng/ngày so với tháng trước, theo các nguồn thứ cấp (gián tiếp) được trích dẫn trong báo cáo hàng tháng của OPEC. Sự gia tăng này được thúc đẩy bởi sản lượng ở Libya, tăng 136.000 thùng mỗi ngày.

Mức độ thực hiện cam kết cắt giảm sản lượng của OPEC+ trong tháng 1/2021, theo hãng theo dõi tàu chở dầu Petro-Logistics, chỉ đạt khoảng 85%.

Ở diễn biến khác, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tin rằng giá dầu cao hơn có thể thúc đẩy ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ tăng sản lượng nhưng hiện các công ty dường như muốn duy trì mức hiện tại, ưu tiên trả nợ hoặc hồi vốn cho các nhà đầu tư. IEA dự đoán: “Nếu họ tuân thủ các kế hoạch này, OPEC+ có thể bắt đầu khôi phục lại thị phần đã mất vào tay các nhà sản xuất Hoa Kỳ và các nước khác kể từ năm 2016”.

Việc Mỹ và Iran nối lại các cuộc đàm phán liên quan đến vấn đề hạt nhân có thể mở ra cơ hội Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phát đối với hoạt động xuất khẩu dầu thô của Iran, điều này đồng nghĩa với việc nguồn cung có khả năng gia tăng.

Giá dầu hôm nay còn ghi nhận áp lực giảm giá bởi một loạt các dữ liệu vừa được công bố cho thấy “sức khoẻ” của các nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Anh… đều đang gặp vấn đề. Với Mỹ đó là câu chuyện lạm phát, về nguy cơ nợ gia tăng. Còn với Anh, đó là những ảnh hưởng tiêu cực của Brexit mà theo đánh giá của giới phân tích, phải còn rất lâu nữa, vấn đề thương mại giữa Anh và EU mới trở lại trạng thái bình thường.

Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 28/1, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3/2021 đứng ở mức 52,34 USD/thùng, giảm 0,51 USD/thùng trong phiên; trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 4/2021 đứng ở mức 55,00 USD/thùng.

Loạt dữ liệu kinh tế được công bố trong những phiên giao dịch cuối tuần đà gia tăng sức ép lên mặt hàng dầu thô khiến giá dầu ngày 29/1 tiếp tục đi xuống.

Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố mức tăng trưởng quý IV/2020 của nước này chỉ đạt 4%, thấp hơn con số dự báo 4,2% được đưa ra và thấp hơn nhiều mức tăng trưởng 33,1% trong quý III/2020.

Các dữ liệu được Bộ Thương mại Mỹ công bố cũng cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới vừa trải qua năm suy giảm mạnh nhất kể từ Thế chiến II, giảm 3,5%, do dịch Covid-19 tàn phá nhiều lĩnh vực kinh doanh lớn như nhà hàng, hàng không, và khiến hàng triệu người Mỹ lâm vào cảnh mất việc làm, nghèo đói.

Gói hỗ trợ, kích thích kinh tế 1.900 tỷ USD theo đề xuất của Tổng thống Joe Biden đang gặp trở ngại, chậm được triển khai do chưa nhận được sự đồng thuận của Đảng Cộng hoà đã làm giảm tâm lý kỳ vọng của giới đầu tư với triển vọng phục hồi kinh tế.

Trước diễn biến của dịch bệnh, ngày 29/1, Đại sứ các nước thành viên EU ngày 29/1 thông qua một bản đồ mới về những vùng nguy hiểm do Covid-19 trên toàn khối, cho phép nhà chức trách áp đặt các hạn chế đi lại chặt chẽ hơn.

Chốt tuần giao dịch, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4/2021 đứng ở mức 52,02 USD/thùng, trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 4/2021 đứng ở mức 55,02 USD/thùng.

Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu hôm nay được niêm yết phổ biến trên thị trường như sau: Giá xăng E5 RON 92 có giá tối đa là 16.309 đồng/lít; giá xăng RON 95 có giá tối đa là 17.270 đồng/lít; giá dầu diesel có giá tối đa là 13.042 đồng/lít; giá dầu hỏa có giá tối đa là 11.908 đồng/lít và giá dầu mazut không cao hơn 12.622 đồng/kg.

Tuy nhiên, thị trường dầu thô cũng ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực hỗ trợ giá dầu thế giới đi lên.

Số lượng giàn khoan dầu khí hoạt động trong tuần kết thúc ngày 22/1 thấp hơn 52% so với cùng thời điểm năm 2020, và là tuần giảm thứ 9 liên tiếp.

Giá dầu hôm nay cũng được hỗ trợ từ việc Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, tự nguyện cắt giảm thêm sản lượng so với cam kết 1 triệu thùng/ngày.

Bên cạnh đó, việc đồng USD xuống thấp cũng kích thích dòng tiền trên thị trường chảy vào thị trường dầu mỏ khi kỳ vọng triển vọng phục hồi kinh tế được củng cố bởi loạt dữ liệu kinh tế tích cực từ 2 nền kinh tế Mỹ - Trung Quốc, đặc biệt là các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế mới và chính sách tài chính nởi lỏng của Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc…

Với những nhân tố như trên, giá dầu ngày 31/1 được nhận định sẽ là sự khởi đầu của một giai đoạn giao dịch đầy khó khăn đối với mặt hàng dầu thô bởi nhiều nước ở châu Á bước vào kỳ nghỉ Tết nguyên đán 2021 cũng như diễn biến phứt tạp của dịch Covid-19.

Hà Lê

DMCA.com Protection Status