Dự án Alaska LNG: Cuộc cạnh tranh Mỹ-Nga trên thị trường năng lượng

08:22 | 20/04/2023

699 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Bộ Năng lượng Mỹ đã phê duyệt hoạt động xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng từ dự án Alaska LNG, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hoạt động năng lượng và khả năng cạnh tranh toàn cầu của Mỹ.
Dự án Alaska LNG: Cuộc cạnh tranh Mỹ-Nga trên thị trường năng lượng

Dự án dự kiến ​​sẽ đi vào hoạt động từ năm 2030 và đóng góp nhiều lợi ích cho nền kinh tế và an ninh quốc tế của Mỹ, cũng như giúp Mỹ cạnh tranh lại Nga trên thị trường châu Á.

Lợi ích an ninh kinh tế và quốc tế của Mỹ khi xuất khẩu LNG sang châu Á

Dự án có trị giá khoảng 39 tỷ USD, được thi công nhằm phục vụ cho hoạt động vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Bắc Cực đến châu Á. LNG chủ yếu sẽ được xuất khẩu sang các nước châu Á, giúp mang về cho Mỹ những lợi ích về kinh tế và an ninh quốc tế.

Công ty Alaska Gasline Development Corp (AGDC) sẽ chịu trách nhiệm xuất khẩu LNG từ dự án sang những quốc gia không có hiệp định thương mại tự do với Mỹ. Tuy nhiên, công ty vẫn chưa có quyết định đầu tư cuối cùng cho dự án. Nếu nhận được những khoản đầu tư và tất cả giấy phép cần thiết, dự án sẽ đi vào hoạt động từ năm 2030.

Thành phần dự án bao gồm một cơ sở hóa lỏng trên bán đảo Kenai (miền nam Alaska) và một đường ống dẫn khí dài 1.300 km nhằm vận chuyển khí đốt từ miền bắc Alaska đi khắp tiểu bang. Ban dầu, chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phê duyệt dự án, nhưng sau đó, dự án vấp phải sự phản đối của các nhóm môi trường. Về sau, chính quyền của Tổng thống đương nhiệm Joe Biden đã tiến hành đánh giá tác động môi trường của dự án. Kết luận đánh giá cho thấy, dự án mang lại lợi ích kinh tế và an ninh quốc tế đủ lớn để gạt bỏ mối quan ngại của các nhóm môi trường.

Tuy nhiên trước đó, chính quyền của ông Joe Biden cũng đã phê duyệt sửa đổi quy định cấm dự án thải khí CO2 vào khí quyển. Dù vậy, các nhóm môi trường vẫn chỉ trích động thái này. Nhóm Friends of the Earth ví nó như “quả bom carbon”. Còn Earthjustice - một công ty luật về môi trường, thì cho rằng quyết định này sẽ mở ra cơ hội truy tố pháp lý và ngăn chặn dự án.

Chính quyền của ông Joe Biden đang tìm cách phê duyệt thêm dự án xuất khẩu LNG từ Mỹ nhằm cạnh tranh với Nga - một trong những nước xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới. Nga đang lên kế hoạch bắt đầu dự án Arctic LNG-2 vào cuối năm 2023. Dự kiến đây sẽ là một trong những cơ sở LNG lớn nhất trên toàn thế giới. Tuy nhiên, Nga hiện đang chịu sức ép từ những biện pháp trừng phạt của phương Tây vì hành động xâm lược Ukraine. Mặt khác, Mỹ cũng đã tăng cường xuất khẩu LNG sang châu Âu sau khi Moscow cắt giảm sản lượng đi vào lục địa già này.

Như vậy, việc phê duyệt hoạt động xuất khẩu LNG từ dự án Alaska LNG là một bước quan trọng để Mỹ trở thành một thế lực lớn trên thị trường năng lượng toàn cầu. Tuy vấp phải sự phản đối từ phía nhóm môi trường, nhưng chính quyền của ông Joe Biden vẫn nhận định rằng đây là dự án phục vụ cho lợi ích chung, vì lợi ích kinh tế và an ninh quốc tế mà dự án sẽ mang lại.

Bang Alaska phát triển dự án Alaska LNG trị giá 38,7 tỷ USD hướng tới khách hàng châu ÁBang Alaska phát triển dự án Alaska LNG trị giá 38,7 tỷ USD hướng tới khách hàng châu Á

Ngọc Duyên

AFP