Đến Bạc Liêu khám phá du lịch tâm linh

09:22 | 06/07/2022

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Bạc Liêu có nhiều di tích văn hóa về đình, chùa, miếu, lăng, nhà thờ… Với lối kiến trúc độc đáo và có niên đại hàng trăm năm gắn liền với các lễ hội dân gian mang đậm đặc trưng văn hóa của người Kinh, Khmer, Hoa ở nơi đây, các di tích ấy trở thành không gian lý tưởng cho du lịch tâm linh, nơi để thể hiện niềm tin tín ngưỡng của du khách khi đến với Bạc Liêu.
Về Bình Phước trải nghiệm du lịch tâm linh ở những ngôi chùa độc đáoVề Bình Phước trải nghiệm du lịch tâm linh ở những ngôi chùa độc đáo
Ngôi đền thờ Chúa Bầu dưới chân núi Pú ChèNgôi đền thờ Chúa Bầu dưới chân núi Pú Chè

Nơi gửi ước nguyện an lành

Đó là những điểm dừng chân được dân gian “thổi” vào trong ấy những giai thoại tâm linh huyền bí, sự tích, câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn. Không ai minh chứng và cũng không cần chứng minh tính xác thực của những câu chuyện, nhưng sâu trong tâm thức, nhiều du khách hành hương vẫn đặt niềm tin vào yếu tố tâm linh, tôn giáo và chung quy lại là muốn gửi ước nguyện về một cuộc sống bình an, hạnh phúc cho bản thân, gia đình.

Điển hình như Khu Quán âm Phật đài (TP. Bạc Liêu), nơi thờ Phật bà Nam Hải. Trong dân gian tương truyền rằng, với tấm lòng từ bi, bác ái, Phật bà (nhiều người gọi là Mẹ Nam Hải) đã cứu giúp biết bao chúng sinh thoát khỏi bệnh hiểm nghèo, phò hộ ngư dân lênh đênh giữa biển khơi thoát chết trong biết bao cơn bão lớn… Kể cả kỳ tích cứu giúp đồng bào Bạc Liêu bớt đi hậu quả thương tâm của cơn bão số 5 năm 1997 đổ bộ vào đất liền. Hay Nhà thờ Tắc Sậy (TX. Giá Rai), nơi thờ Linh mục Phan-xi-cô Xa-vi-ê Trương Bửu Diệp (nhiều người gọi là Cha Diệp) thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, cầu nguyện bởi những giai thoại ly kỳ về vị Linh mục này.

Du khách truyền tai nhau, dẫu có khó khăn gì trong cuộc sống, đến đây cầu nguyện sẽ được vượt qua khổ nạn. Hay Quan Đế được biết đến là một bậc hảo hán, dân gian xem ông như một biểu tượng của tính hào hiệp, trượng nghĩa và trung thành. Người Hoa vốn trọng chữ tín trong làm ăn và đây được xem là một biểu trưng cho cộng đồng người Hoa. Cứ vào ngày 24/6 âm lịch, lễ cúng quan trọng nhất ở chùa Quan Đế (Phường 2, TP. Bạc Liêu) thu hút nhiều du khách đến cúng bái cầu mong cho công việc làm ăn thuận lợi, “mua may bán đắt”. Hoặc Tháp Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi) dù đã trải qua ngàn năm sương gió nhuốm màu thời gian, nhưng vẫn đứng vững và tồn tại nhiều điều bí ẩn mà các nhà khoa học chưa lý giải được.

Đến Bạc Liêu khám phá du lịch tâm linh
Chùa Hưng Thiện (huyện Vĩnh Lợi) ngày càng thu hút đông đảo du khách đến tham quan, chiêm bái. Ảnh: H.T

Nâng tầm chuỗi giá trị DL tâm linh

Hằng năm, nhất là mỗi độ tết đến, xuân về, du khách hành hương ồ ạt đến Bạc Liêu, có đến hàng trăm ngàn lượt du khách đến viếng và chiêm bái tại Khu Quán âm Phật đài, Nhà thờ Tắc Sậy, chùa Hưng Thiện… Sức hút từ những câu chuyện tâm linh đã tiếp thêm niềm tin cho du khách. Dù có đạo hay không có đạo, họ đều đến đây dù đôi khi phải “chật vật” với tình trạng chen chúc có khi tắc đường, thiếu bãi đậu xe hoặc thỉnh thoảng bị chèo kéo, “chặt chém” từ một vài điểm kinh doanh ăn uống trong những ngày cao điểm của mùa lễ hội. Hay lễ hội Nghinh Ông ở thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải) được tổ chức vào mùng 10/3 âm lịch hằng năm để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, tôm cá đầy ghe, đời sống người dân ấm no, sung túc những năm gần đây cũng thu hút rất đông khách đến hành lễ…

Tuy nhiên thực tế cho thấy, du lịch tâm linh Bạc Liêu thu hút được du khách hành hương cơ bản chỉ dừng lại về mặt số lượng, chứ chưa khai thác triệt để những giá trị văn hóa tâm linh vốn có của các điểm đến và các lễ hội dân gian truyền thống tại đây. Vì vậy, cần nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng tầm chuỗi giá trị du lịch tâm linh bằng việc điều tra, khảo sát, nghiên cứu một cách bài bản về hệ thống tài nguyên du lịch tâm linh, khả năng cung ứng dịch vụ, cơ chế, chính sách quản lý, nguồn nhân lực và sự tham gia của cộng đồng… từ đó đề ra những chiến lược phát triển hiệu quả. Nhất là cần có sự tính toán cho giai đoạn cao điểm của mùa du lịch hành hương, khi mà số lượng du khách đến với Bạc Liêu tăng đột biến.

Nâng cao nguồn nhân lực là giải pháp quan trọng kế tiếp. Cần thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và các kỹ năng mềm, kiến thức văn hóa du lịch, tôn giáo… cho đội ngũ nhân sự phục vụ du lịch. Kể cả việc tạo sự gắn kết, thấu hiểu và trải nghiệm giữa du khách với các giá trị văn hóa tâm linh tại các điểm đến du lịch tâm linh bằng những buổi tọa đàm, thuyết pháp, khóa tu học ngắn ngày… Cần có kế hoạch trùng tu các di tích đã xuống cấp và chiến lược quảng bá thu hút khách du lịch cho các di tích tâm linh này; chú trọng cơ sở hạ tầng du lịch, nhất là quy hoạch bố trí bãi đậu xe, đường giao thông trên cả đường bộ và đường sông; đầu tư và nâng cấp các cơ sở nhà hàng, khách sạn, các cơ sở phục vụ ăn uống, lưu trú nhằm phục vụ tốt nhu cầu ngày càng cao của du khách, nhất là khách du lịch tâm linh trong và ngoài nước.

Du lịch tâm linh, một nét vẽ thanh khiết và ý nghĩa cho cuộc sống đời thường với biết bao bộn bề và lo lắng. Nét vẽ ấy sẽ ngày thêm tuyệt vời và tỏa sáng bởi những giá trị nhân văn sâu sắc nếu có sự chung tay và những định hướng đúng đắn của cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng địa phương. Du lịch tâm linh là thế mạnh vốn có của tỉnh Bạc Liêu nhưng những hạn chế cần được nhận rõ và sớm cải thiện để phát triển bền vững, góp phần cải thiện đời sống người dân, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, thu hút được nhiều hơn du khách đến với mảnh đất này.

https://dulich.petrotimes.vn/

Ngô Hùng/baobaclieu.vn

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]