Đại tướng Tô Lâm chỉ rõ lý do cần cấp CCCD cho trẻ dưới 14 tuổi

11:29 | 17/03/2023

290 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chỉ ra hàng loạt bất cập trong thực tế khi trẻ không có giấy tờ pháp lý, Bộ trưởng Công an nhấn mạnh nếu tất cả người dân có căn cước, việc quản trị xã hội sẽ thuận lợi hơn nhiều.
Tranh luận quanh đề xuất cấp Căn cước công dân cho trẻ dưới 14 tuổiTranh luận quanh đề xuất cấp Căn cước công dân cho trẻ dưới 14 tuổi
Làm sổ bảo hiểm xã hội như thế nào khi không có căn cước công dân?Làm sổ bảo hiểm xã hội như thế nào khi không có căn cước công dân?

Trước nhiều ý kiến băn khoăn của Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Quốc phòng - An ninh về việc bổ sung cấp Căn cước công dân cho trẻ dưới 14 tuổi, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Công an, dành nhiều thời gian để lý giải rõ hơn về đề xuất này. Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 17/3, Bộ trưởng Công an chỉ ra nhiều bất cập trong thực tế nếu thiếu giấy tờ này.

Tạo nhiều thuận lợi

Theo Đại tướng Tô Lâm, thực tế trong rất nhiều trường hợp phải rà soát các giấy tờ liên quan đến trẻ em. Đơn cử việc phải cung cấp cho Bộ Giáo dục và Đào tạo số liệu một xã, một phường có bao nhiêu trẻ em, từ đó tính toán hệ thống đào tạo giáo dục và cư trú. Ông Lâm đánh giá việc này vừa qua phục vụ rất tốt cho các kỳ thi, đặc biệt kỳ thi vào lớp 10 hay cả những yêu cầu khi trẻ chuẩn bị vào lớp 1.

"Chúng ta kêu gọi Chính phủ điện tử thì các cháu cũng phải được giao dịch. Bây giờ mua sim điện thoại phải có căn cước thì các cháu dưới 14 tuổi có được dùng điện thoại không, hay bây giờ phải đăng ký của bố mẹ để dùng. Trẻ có được tham gia các hoạt động trên môi trường mạng không? Hoàn toàn được", Bộ trưởng Công an nêu câu chuyện thực tế và cho rằng để tránh bất cập cần hoàn thiện những vấn đề này.

Đại tướng Tô Lâm chỉ rõ lý do cần cấp CCCD cho trẻ dưới 14 tuổi - 1
Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Công an, phân tích nhiều vấn đề cho thấy sự cần thiết của việc cấp Căn cước công dân cho trẻ dưới 14 tuổi (Ảnh: Phạm Thắng).

Nhắc đến yêu cầu quốc tế "trẻ vừa sinh được cấp hộ chiếu ngay", Đại tướng Tô Lâm cho biết ngoài hộ chiếu và giấy khai sinh, trẻ không còn giấy tờ gì để giao dịch.

"Ngay cả việc đi học cũng phải dựa vào giấy khai sinh, hay như đi máy bay cũng có chuyện đối phó bằng cách xin mất giấy khai sinh để được lên máy bay, hoặc có trường hợp đi mượn giấy khai sinh của một cháu nào đấy tương thích để có được giấy tờ…", ông Lâm nêu bất cập.

Theo Bộ trưởng Công an, việc cấp Căn cước công dân cho trẻ dưới 14 tuổi không ảnh hưởng đến quyền của các cháu và sẽ tạo nhiều thuận lợi. Căn cước công dân làm cho trẻ cũng sẽ không làm theo thời hạn như người lớn, vì có những đặc trưng do trẻ còn phát triển nên có thể tính tới 5 năm cập nhật một lần, trong hệ thống quản lý động bộ thì không lo có sự cố", ông Lâm nêu rõ.

Về mặt kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Công an nhìn nhận việc nếu mọi người đều có Căn cước công dân sẽ rất thuận lợi. "Chúng ta không nên để lỡ cơ hội này trong quản lý, quản trị xã hội, không để khoảng trống khi có những đối tượng không có giấy tờ", Bộ trưởng Công an nhấn mạnh mục tiêu 100% người dân có căn cước.

Tiến tới đi lại trong khối ASEAN chỉ cần căn cước công dân

Với thực tế hiện nay có khoảng 3 triệu người chưa làm Căn cước công dân và làm rất khó, Đại tướng Tô Lâm cho biết lực lượng công an phải đi tìm từng người để làm vì có những người không làm vì không có nhu cầu. Song về mặt quản lý, ai cũng cần làm Căn cước công dân để phục vụ quản trị xã hội.

"Ví dụ trẻ em đi lạc, hoặc gặp sự cố gì không có giấy tờ thì không biết là ai, phải đăng tin tìm thân nhân. Nếu hoàn thiện được việc này có thể xác định được ngay từ những việc như tìm trẻ lạc", ông Lâm nói.

Đánh giá căn cước công dân hiện nay là một trong những nội dung "hiện đại", ông Lâm nêu mục tiêu phấn đấu trong ASEAN về việc thống nhất các loại giấy tờ, tiến đến công dân các nước trong ASEAN đi lại không cần hộ chiếu. Thay vào đó, nếu đạt được thỏa thuận thống nhất trong ASEAN, các quốc gia trong khối hay Việt Nam có thể đi lại giữa các nước bằng căn cước công dân", theo ông Lâm, đây là nội dung rất hội nhập, song sẽ có "khoảng trống" nếu không có được giấy tờ để hội nhập quốc tế.

Để nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi Luật Căn cước công dân, Bộ trưởng Công an dẫn Nghị quyết 21 của Trung ương đề ra mục tiêu đến năm 2030 toàn bộ dân số Việt Nam được quản lý trong hệ thống dân cư quốc gia thống nhất. Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị cũng xác định xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia đồng bộ.

"Giờ đã giữa nhiệm kỳ, nếu không hoàn thành những cơ sở này sớm rất khó đạt mục tiêu", Đại tướng Tô Lâm nói. Từ góc độ quản lý, ông cho rằng quản trị xã hội trên những nền tảng này sẽ đem lại nhiều cải cách.

Kết luận lại nội dung bổ sung Luật Căn cước công dân sửa đổi vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành đề nghị này. Theo đó, Luật Căn cước công dân sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6.

Như vậy, tại kỳ họp 5 dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới, Quốc hội sẽ cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng của Luật Căn cước công dân sửa đổi, trong đó có việc cấp căn cước công dân cho trẻ dưới 14 tuổi.

Theo Dân trí

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan