Châu Âu trước “ác mộng năng lượng”

14:22 | 11/08/2022

|
(PetroTimes) - Để đáp trả các biện trừng phạt của Liên minh châu Âu, Tổng thống Putin chưa bao giờ ngừng sử dụng vũ khí năng lượng. Thêm một đường ống dẫn dầu sang châu Âu bị ngừng hoạt động, theo thông báo ngày 9/8 của Điện Kremlin.
Châu Âu trước “ác mộng năng lượng”

Ba nước Hungary, Slovakia, CH Séc, sẽ không nhận được dầu từ một nhánh của đường ống Drouzba (trung chuyển qua Ukraina) với lý do giao dịch ngân hàng bị chặn vì trừng phạt của phương Tây. Kể từ ngày 10/8, Liên minh châu Âu chính thức ngừng mua than của Nga.

Các kho dự trữ khí đốt tại châu Âu vẫn không ngừng được đổ đầy nhờ nhập khí hóa lỏng. Châu Âu sẽ đạt được chỉ tiêu tích được 80% khí đốt vào ngày 1/11. Tuy nhiên, theo Les Echos, đó chỉ là “sự bình lặng bề ngoài trước những tháng đầy rủi ro sắp tới”, thậm chí ngay từ mùa thu, do Tập đoàn Gazprom giảm mạnh khối lượng khí đốt giao cho Liên minh châu Âu. Ngoài ra, kết quả tưởng chừng là tốt này thực ra là “do nhu cầu sử dụng ít hơn so với thông thường, đặc biệt là từ lĩnh vực công nghiệp”, theo giáo sư Thierry Bros, trường Khoa học Chính trị Sciences Po. Thêm vào đó là sự chênh lệch về khối lượng dự trữ khí đốt giữa các nước thành viên: Ba Lan và Bồ Đào Nha đã đổ gần đầy kho, nhưng Hungary, Bulgari và Áo mới chỉ trên 50%, các nước Ý, Pháp, Đức từ 73% đến 83%.

Một điểm khác được nhà phân tích Sindre Knutsson của văn phòng Rystad Energy lưu ý, đó là khối lượng khí đốt tích trữ chỉ bảo đảm được “từ 25% đến 30% nhu cầu của Liên minh châu Âu trong những tháng mùa đông lạnh nhất”. Phần còn lại, EU vẫn phải trông chờ vào các nguồn nhập khẩu. Trong khi đó viễn cảnh lại không mấy sáng sủa. Đường ống Nord Stream 1 hiện chỉ giao cho châu Âu khoảng 20% công suất. Từ 320 triệu mét khối mỗi ngày vào đầu mùa hè, hiện chỉ còn 80 triệu mét khối/ngày. Ngoài các nguồn khí hóa lỏng, như nhập từ Mỹ, châu Âu phải tiết kiệm tiêu thụ, ít nhất là 10%. “Nếu mùa đông quá lạnh hoặc Nga cắt hoàn toàn khí đốt, thách thức sẽ ở một cấp độ khác”, theo nhà phân tích Sindre Knutsson.

“Vì thiếu khí đốt, Châu Âu đổ tìm than đá” là nhận định trên trang nhất của Le Le Figaro. Liên minh châu Âu không mua than đá của Nga kể từ ngày 10/8, trong khi Nga là nhà cung cấp đến một nửa khối lượng than tiêu thụ trong khối EU. Mọi nguồn năng lượng thay thế đều được tính đến, kể cả các nhà máy nhiệt điện. Bất chấp tác hại đến môi trường, nhiều nước như Pháp, Đức, Áo, Ba Lan chấp nhận chi phí đắt đỏ để tái khởi động hoặc kéo dài tuổi thọ của các nhà máy nhiệt điện. Nhu cầu tăng bất ngờ này, cùng với nhu cầu của Ấn Độ và Trung Quốc, đã khiến giá than đá hiện nay cao gần gấp 3 lần so với hồi tháng 01. Than đá giờ được coi như vàng đen.

Báo Le Figaro gọi đây là một “cơn ác mộng năng lượng”, có ý chỉ trích những năm tháng theo đuổi chuyển đổi năng lượng nhưng lại không tính toán thấu đáo. Ví dụ Đức, trong cuộc đua chuyển đổi sinh thái đã phó mặc nguồn năng lượng cho Nga. Hậu quả hiện giờ là nguy cơ thiếu điện, giá tăng chóng mặt, phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính… Theo tờ báo, tình hình hiện nay buộc phải xem xét lại hoàn toàn chiến lược của châu Âu, bắt đầu từ việc tái thúc đẩy điện hạt nhân, tiếp tục phát triển các năng lượng tái tạo, triển khai các biện pháp sử dụng điều độ và tiến hành một cuộc cải cách sâu rộng về ấn định giá tại châu Âu. Nếu không có bước nhảy vọt, châu Âu “sẽ bị buộc tiêu thụ than cho đến lúc khó tiêu”.

Vừa lo tích khí đốt cho mùa đông, châu Âu cũng phải lo chống hạn hán. Nhật báo La Croix phản ánh về “tình trạng thiếu nước đáng lo ngại ở Hà Lan”. Nước cạn đến mức nhiều con tầu chênh vênh trên lòng sông và bắt đầu rạn nứt. Thiếu nước đang đe dọa ngành vận tải đường thủy. Nông dân Hà Lan bị cấm bơm nước tưới tiêu. Biện pháp này cũng được áp dụng tại vùng Flandres của Bỉ, giáp với Hà Lan.

Tại Pháp, nhật báo Les Echos quan tâm đến “những gì Nhà nước đã làm và cần làm đối với hạn hán”. Theo các nhà quan sát, được củng cố sau các đợt nắng nóng 2017 và 2019, hệ thống quản lý khủng hoảng hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, Pháp lại chưa sẵn sàng đối phó với khí hậu biến đổi nhanh chóng sẽ gia tăng sức ép về nguồn nước.

Hai nước EU trả tiền cho Ukraine mở lại đường ống đưa dầu Nga sang châu ÂuHai nước EU trả tiền cho Ukraine mở lại đường ống đưa dầu Nga sang châu Âu
Ukraine ngừng cung cấp dầu cho châu ÂuUkraine ngừng cung cấp dầu cho châu Âu
EU đưa ra văn bản “cuối cùng” để khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran 2015EU đưa ra văn bản “cuối cùng” để khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran 2015

Nh.Thạch

AFP