Châu Âu giải bài toán khó về khí đốt

09:47 | 07/07/2022

496 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nga đang liên tục cắt giảm lượng khí đốt sang châu Âu trong bối cảnh căng thẳng liên quan tới Ukraine. Do phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt của Nga, các nước châu Âu đã và đang làm gì để giải bài toán khó về khí đốt?
Châu Âu giải bài toán khó về khí đốt
Nhà máy Điện than ở Mellach, Áo

Tập đoàn Gazprom của Nga đã cắt đứt việc cung ứng khí đốt cho một số nước châu Âu, bao gồm Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan, Hà Lan do các nước này từ chối thanh toán tiền mua khí đốt của Nga bằng đồng rúp.

Tuần trước, Gazprom đã thông báo về việc cắt giảm khí đốt thông qua đường ống Nord Stream 1. Các nhà kinh tế và chính trị dự báo Nga sẽ siết “vòi khí” nhiều hơn trong những tháng tới - vấn đề gây đau đầu cho một số nước châu Âu.

Theo Bộ trưởng Kinh tế Đức, tình hình rất nghiêm trọng đối với Đức, nước hiện vẫn tiếp tục nhập khẩu 35% khí đốt từ Nga so với 55% trước cuộc chiến Nga - Ukraine. Hà Lan phụ thuộc vào Nga với khoảng 15% nguồn cung cấp khí đốt, so với mức trung bình 40% của Liên minh châu Âu (EU)...

Hồi sinh nhiệt điện than

Khi Nga giảm dần các dòng khí đốt đến châu Âu, hôm 20-6-2022, Hà Lan đã tuyên bố dỡ bỏ các hạn chế đối với sản xuất nhiệt điện than, một ngày sau khi Đức và Áo tuyên bố tăng cường sử dụng than.

Ngày 19-6-2022, Đức đã thông qua nhiều biện pháp khẩn cấp để bảo đảm nguồn cung cấp năng lượng, sau khi Nga quyết định ngừng cung cấp khí đốt cho Đức, trong đó có việc nhiều nhà máy nhiệt điện than được hoạt động lâu hơn so với kế hoạch chuyển đổi năng lượng của Đức. Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói: “Thật cay đắng, nhưng đây là việc cần thiết để giảm bớt tiêu thụ khí đốt”. Một dự thảo luật sẽ được đệ trình nhằm cho phép gia tăng sử dụng than đá, nhưng chỉ là tạm thời, để đối phó với tình hình khó khăn trên thị trường khí đốt, tăng lượng dự trữ cho mùa đông. Việc Nga đã khóa một phần đường ống khí đốt Nord Stream 1 càng gây thêm lo ngại cho Đức. Chính phủ Đức dự kiến phải chi 15 tỉ euro để mua khí đốt từ mọi nguồn khác nhau và cũng nhằm mục đích dự trữ, bởi hiện các kho chỉ dự trữ được 56%, con số đó phải đạt 90% từ nay đến tháng 11-2022.

Tương tự, Áo cũng bị Nga cắt giảm khí đốt và phải tái khởi động một nhà máy điện than. Theo thông báo của Chính phủ Áo ngày 19-6-2022, Tập đoàn Verbund, nhà cung cấp điện chính ở Áo, sẽ tái khởi động nhà máy điện than ở Mellach (miền Nam Áo) để có thể cung cấp điện trong trường hợp khẩn cấp. Đó là nhà máy điện than cuối cùng ở Áo bị đóng cửa vào mùa xuân 2020 sau khi Chính phủ Áo muốn loại dần năng lượng gây ô nhiễm và thay thế bằng năng lượng tái tạo từ nay đến năm 2030...

Châu Âu giải bài toán khó về khí đốt
Nga cắt giảm mạnh nguồn cung khí đốt sang châu Âu

Nhắm tới lục địa đen

Ngoài việc tái khởi động lại các nhà máy nhiệt điện than, nhiều nước châu Âu quan tâm đến nguồn cung khí đốt của châu Phi và các nước khác. Hiện châu Phi xuất khẩu sang châu Âu 10% lượng khí đốt thiên nhiên và trong tương lai gần có thể tăng lên gấp đôi.

Theo Báo Le Monde (Pháp), châu Phi có thể tận dụng cơ hội lấy được thị trường châu Âu do cuộc khủng hoảng Ukraine. Đức đang nhắm tới Senegal. Theo Senegal, dù lượng khí đốt của Senegal dành cho châu Á, nhưng Senegal sẵn sàng thương lượng để chuyển hướng cung cấp khí đốt cho châu Âu.

Phụ thuộc 45% vào khí đốt Nga, ngay từ đầu cuộc chiến Ukraine, Italia đã đến Algeria và ký kết thỏa thuận tăng khả năng xuất khẩu khí đốt của Algeria lên đến 40%.

Đẩy mạnh năng lượng tái tạo

Cuối tháng 5-2022, Ủy ban châu Âu (EC) đã trình bày một kế hoạch trị giá 210 tỉ euro, trong đó, tăng tốc năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng để thoát khỏi khí đốt Nga càng nhanh càng tốt. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nói với các phóng viên: “Tiết kiệm năng lượng là cách nhanh nhất và rẻ nhất để ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay”. EC ước tính, những thay đổi trong hành vi người dân có thể làm giảm 5% nhu cầu năng lượng trong ngắn hạn.

EC đang đề xuất nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong hỗn hợp năng lượng từ 40% lên 45% vào năm 2030. EC cũng đặt ra mục tiêu 10 triệu tấn hydro từ các nguồn tái tạo được sản xuất ở châu Âu vào năm 2030, cũng như 10 triệu tấn nhập khẩu, để thay thế than, dầu và khí đốt trong một số ngành công nghiệp và vận tải. Tuy nhiên, EC thừa nhận rằng, châu Âu sẽ không thể thành công nếu không có dầu, khí đốt và đã bắt đầu đa dạng hóa các nhà cung cấp, đặc biệt là Mỹ, Algeria, Trung Đông. EC đang xem xét một cơ chế mua chung để thương lượng mức giá khí đốt tốt hơn.

Theo tính toán của EC, việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi hệ thống năng lượng châu Âu sẽ đòi hỏi một khoản đầu tư bổ sung là 210 tỉ euro vào năm 2027. Phần lớn nguồn tài trợ được đề xuất sẽ đến từ các khoản vay nằm trong kế hoạch khôi phục châu Âu nhưng chưa được sử dụng. 225 tỉ euro trong các khoản vay này có thể được huy động ngay lập tức.

EC đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng nhằm giảm lượng khí thải CO2 cho các nước thuộc EU. Tim McPhie, phát ngôn viên của EC, cho biết: “Chúng tôi biết rằng hỗn hợp năng lượng và các kế hoạch của các quốc gia thành viên EU sẽ dần thích ứng vì chúng tôi đang ở trong một tình huống bất ngờ”.

Chính phủ Đức cho biết, Đức vẫn chưa thể đánh giá lượng năng lượng bổ sung từ các nhà máy nhiệt điện than bởi phụ thuộc vào thị trường năng lượng và tình hình cung cấp khí đốt trong những tháng tới. Bộ Kinh tế Đức khẳng định: Đức sẽ hành động trong khuôn khổ hạn ngạch phát thải CO2 do EU quy định.

EC đang đề xuất nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong hỗn hợp năng lượng từ 40% lên 45% vào năm 2030. EC cũng đặt ra mục tiêu 10 triệu tấn hydro từ các nguồn tái tạo được sản xuất ở châu Âu vào năm 2030, nhập khẩu 10 triệu tấn, để thay thế than, dầu và khí đốt trong một số ngành công nghiệp và vận tải.

S.Phương