Bến không phép tồn tại nhiều năm tại cảng Đa Phúc

11:29 | 23/09/2019

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Đa Phúc là cảng đường thủy nội địa trên sông Công, thuộc địa bàn thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên). Bình quân mỗi năm cảng bốc, xếp khoảng 1,8 triệu tấn hàng hóa các loại, góp phần quan trọng phát triển kinh tế của tỉnh. Do nhu cầu bốc, xếp hàng hóa lớn, vì vậy tại khu vực này tồn tại một số bến bãi mở trái phép từ nhiều năm qua, gây ô nhiễm môi trường, nhưng chưa giải quyết được.
ben khong phep ton tai nhieu nam tai cang da phuc
Bến Bình Oanh hoạt động tập kết cát trái phép nhiều năm nay.

“Bến dù” ngang nhiên tồn tại

Mặc dù nằm sâu trong nội địa, nhưng cảng Đa Phúc có khả năng đón tàu trọng tải 12 nghìn tấn, hằng ngày tại khu vực này, các loại tàu lớn, nhỏ tấp nập ra vào bốc, xếp hàng hóa, bao gồm quặng các loại, than, vật liệu xây dựng, dăm gỗ... Trưởng đại diện Cảng vụ Thái Nguyên Nguyễn Huỳnh Lý cho biết: Tại khu vực cảng Đa Phúc có một số bến bãi tự phát mở trái phép từ nhiều năm nay, đoàn liên ngành bao gồm đại diện các cơ quan chức năng đã nhiều lần kiểm tra, lập biên bản đình chỉ hoạt động, nhưng họ vẫn ngang nhiên bốc, xếp hàng hóa mà chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.

Điển hình là bến Bình Oanh nằm ở thôn Phú Thịnh, xã Thuận Thành hoạt động hút cát từ các tàu lên bến rộng hàng nghìn mét vuông từ hàng chục năm qua. Bến này nằm sát chân cầu Đa Phúc và vi phạm nghiêm trọng hành lang cầu đường bộ. Gần như năm nào đoàn công tác liên ngành cũng lập biên bản đình chỉ, nhưng bến Bình Oanh vẫn ngang nhiên hoạt động. Cũng tại cảng Đa Phúc, có trường hợp “núp bóng” bến phục vụ hậu cần, huấn luyện quân sự, nhưng thực tế những tàu hàng dân sự cỡ lớn đều đặn ra, vào bốc, xếp hàng hóa dân sự diễn ra rầm rộ mà các cơ quan quản lý không xử lý được. Thậm chí, có bến đã hoạt động trong thời gian dài, mà đến nay mới đang làm thủ tục cấp phép hoạt động.

Đại diện Cảng vụ Thái Nguyên cho biết, đất đai “vướng” hành lang bảo vệ đê, hành lang an toàn đường thủy, cho nên không thể cấp phép hoạt động, thế nhưng nhiều bến vẫn được mở dọc sông, thậm chí lấn ra lòng sông, thu hẹp dòng chảy, ảnh hưởng luồng chạy tàu. Các bến không phép ngang nhiên hoạt động không những đe dọa an toàn giao thông đường thủy và đường bộ, mà các cơ quan quản lý nhà nước cũng khó quản lý về bảo vệ môi trường. Bến Bình Oanh hút cát từ các tàu lên, lượng chất thải lớn theo nước trôi xuống sông, gây bồi lắng dòng sông nhanh hơn. Vào mùa cạn, các tàu có trọng tải hàng chục nghìn tấn phải giảm trọng tải vận chuyển khoảng 30% thì mới ra, vào cảng được.

Ô nhiễm môi trường

Hầu hết các bến dọc cảng Đa Phúc đều dốc về phía sông, lượng hàng hóa bốc xếp rơi vãi ra mặt bến khá lớn, nhưng tất cả các chủ bến đều chưa coi trọng việc thu dọn, xây dựng công trình thu gom. Vì thế, mỗi khi trời mưa là tất cả trôi hết xuống sông, gây ra tình trạng bồi lắng lòng sông. Bến của Công ty TNHH Thương mại Dung Quang rộng hàng chục nghìn mét vuông, dốc xuống sông, trên mặt bến là than, quặng, cát bám dày, không được vệ sinh thường xuyên, không có bể lắng để thu nước mặt, vì vậy mỗi khi có mưa lớn là toàn bộ bề mặt bến bị rửa trôi xuống sông. Các hạng mục bảo vệ môi trường của doanh nghiệp này dường như chỉ được đầu tư cho có, công trình phun sương dập bụi chỉ được lắp đặt ngay trước cửa trụ sở công ty, các vị trí bốc, xếp không có công trình thu, hút, dập bụi, cho nên mỗi khi ô-tô ben đổ hàng thì xuất hiện một quả “bom” bụi phát tán đi khắp nơi.

Theo quy định, mỗi khi ô-tô từ các bến ra quốc lộ 3 phải dùng máy bơm rửa lốp để không bám theo chất thải, nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp không chấp hành quy định này, hoặc đầu tư máy bơm, nhân lực rửa lốp chỉ mang tính hình thức, đối phó với cơ quan chức năng. Do đó, quốc lộ 3 đoạn từ cầu Đa Phúc ngược về phía thị xã Phổ Yên, mặt đường thường xuyên bẩn, những hôm trời nắng thì bụi, trời mưa thì bẩn, trơn, gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm đối với các hộ dân sống hai bên đường.

Là một trong những chủ doanh nghiệp bốc, xếp hàng hóa với khối lượng lớn tại cảng Đa Phúc, ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Thắng Lá thừa nhận có tình trạng mặt đường quốc lộ 3 bị ô nhiễm và rất muốn đề xuất các doanh nghiệp bốc xếp hàng hóa tại cảng cùng chung tay thuê nhân lực vệ sinh trên quốc lộ 3 đoạn qua cảng Đa Phúc, thuê phương tiện tưới mặt đường để hạn chế bụi. Thế nhưng việc này rất khó thực hiện vì các doanh nghiệp chưa thống nhất được với nhau, thậm chí còn có tình trạng cạnh tranh nhau không lành mạnh.

Đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên sớm vào cuộc để chấn chỉnh những bất cập nêu trên, đưa cảng Đa Phúc hoạt động một cách quy củ, đồng thời giúp bảo vệ môi trường bền vững, góp phần tích cực hơn vào sự phát triển kinh tế của tỉnh Thái Nguyên.

https://batdongsan.petrotimes.vn/

nhandan.com.vn

vietinbank
ajinomoto