Bạc Liêu: Phát triển kinh tế biển hứa hẹn những đột phá mới

14:12 | 04/09/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Phát triển kinh tế biển (KTB) được xác định là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh Bạc Liêu. Phát huy thế mạnh này, Bạc Liêu đã và đang đẩy mạnh thu hút đầu tư cho phát triển KTB và quyết tâm làm giàu từ biển.
Bạc Liêu: Phát triển kinh tế biển hứa hẹn những đột phá mới
Đóng mới tàu đánh bắt xa bờ ở huyện Đông Hải. Ảnh: K.T, https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Giàu tiềm năng, thế mạnh

Với vị trí địa lý thuận lợi, Bạc Liêu được xem là địa phương giàu tiềm năng, thế mạnh về phát triển KTB. Có địa giới hành chính tiếp giáp với các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau và biển Đông, cùng bờ biển dài 56km với 4 cửa biển lớn: Gành Hào, Cái Cùng, Chùa Phật, Nhà Mát và vùng đặc quyền KTB rộng hơn 20.742km2, Bạc Liêu rất thuận lợi cho phát triển hoạt động khai thác đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch sinh thái biển. Bên cạnh đó, với vị trí nằm trên các trục đô thị biển Đông, biển Tây và trục hành lang kinh tế Tiểu vùng sông Mê-Kông mở rộng kết nối đường biển trong vùng Nam Bộ và vịnh Thái Lan cũng mở ra nhiều cơ hội trong giao thương về hàng hải với thế giới.

Từ khi có Nghị quyết 09 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Tỉnh ủy Bạc Liêu đã ban hành nhiều chương trình, nghị quyết về phát triển KTB và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt, Bạc Liêu đã tập trung và huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện vừa phục vụ phát triển sản xuất, vừa kết hợp với đảm bảo quốc phòng - an ninh. Qua đó, thu hút được nhiều dự án động lực và được bổ sung quy hoạch cho khu vực ven biển như: các dự án năng lượng tái tạo, điện khí; Cảng biển Gành Hào đã được bổ sung vào hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030…, nhất là các dự án nuôi tôm siêu thâm canh đã và đang được nhân rộng. Cũng như các địa phương ở khu vực ven biển hiện nay đang tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư vào xây dựng các cụm công nghiệp chế biến hàng thủy sản xuất khẩu và hứa hẹn tạo nên những đột phá mới trong phát triển KTB của tỉnh.

Bạc Liêu: Phát triển kinh tế biển hứa hẹn những đột phá mới
Thu hoạch tôm công nghệ cao tại Công ty Việt - Úc Bạc Liêu. Ảnh: K.T, https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Xây dựng tỉnh mạnh về biển

Với mục tiêu đưa Bạc Liêu trở thành tỉnh mạnh về biển, giàu từ biển và phát triển bền vững KTB gắn liền với bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển…, Bạc Liêu sẽ tập trung xây dựng và phát triển các ngành KTB toàn diện, đồng bộ theo hướng hiện đại, có sức cạnh tranh cao. Cơ cấu đối tượng nuôi phù hợp, ứng dụng công nghệ cao vào các vùng nuôi siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh. Tập trung nguồn lực, phát triển có trọng điểm các ngành kinh tế thuần biển như: nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy hải sản; dịch vụ, du lịch biển...

Đặc biệt, sẽ ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ như: giao thông, thủy lợi, điện, thông tin liên lạc... nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển KTB và bảo vệ chủ quyền quốc gia về biển đảo, gắn kết với các ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ logistics. Chú trọng đầu tư nâng cấp và hoàn thiện cơ sở dịch vụ hậu cần khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản. Đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), điện khí và xây dựng các cụm kinh tế đô thị ven biển kết hợp với du lịch biển. Phát triển khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển KTB. Phấn đấu đến năm 2025, Bạc Liêu trở thành tỉnh có KTB phát triển khá, là trung tâm điện gió, điện mặt trời, điện khí và là trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước…

Song song đó, phấn đấu đến năm 2025 có từ 5 - 10 vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao và đến năm 2030 có từ 10 vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao trở lên. Tổng số phương tiện tàu cá đến năm 2025 đạt 1.230 chiếc (tàu khai thác xa bờ 820 chiếc) và đến năm 2030 đạt 1.280 chiếc (tàu khai thác xa bờ 850 chiếc). Tổng sản lượng thủy sản đến năm 2025 đạt 378.700 tấn, năm 2030 đạt 474.500 tấn và phấn đấu kim ngạch xuất khẩu thủy sản toàn tỉnh đến năm 2025 đạt 1,4 tỷ USD và đến năm 2030 đạt 1,8 tỷ USD…

Để hoàn thành các mục tiêu quan trọng này, Bạc Liêu mong muốn được hợp tác với các nhà đầu tư trong, ngoài nước cùng nhau làm giàu từ biển.

Quan tâm thu hút đầu tư cho kinh tế biển

Để phát triển kinh tế hàng hải, công nghiệp cơ khí, xây dựng các khu, cụm công nghiệp và đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH ven biển và liên kết vùng, Bạc Liêu đã và đang phát triển đường thủy nội địa và cảng nước sâu kết nối với cảng Hòn Khoai, Năm Căn, Trần Đề, các khu kinh tế biển của khu vực miền Nam, hình thành cảng trung chuyển ven biển trong và ngoài nước.

Theo đó, Bạc Liêu mời gọi, xúc tiến đầu tư xây dựng Cảng biển Gành Hào và đang nâng cấp, mở rộng Cảng cá Gành Hào đạt quy mô cảng cá loại I. Đồng thời, tích cực mời gọi đầu tư để đẩy mạnh phát triển công nghiệp đóng mới, sửa chữa tàu thuyền trên địa bàn tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư xây dựng cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản có quy mô phù hợp, hiện đại tại các cụm công nghiệp và tại các cửa biển.

Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường, công nghiệp nền tảng, công nghệ nguồn. Phát triển hợp lý các ngành sửa chữa và đóng tàu, cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ; tập trung vào việc đổi mới dây chuyền công nghệ theo hướng hiện đại và tận dụng tối đa năng lực hiện có, khuyến khích phát triển các nhà máy chế biến thủy sản, khai thác biển gắn kết chặt chẽ các cơ sở chế biến với vùng sản xuất nguyên liệu tập trung.

Tiếp tục đầu tư hoàn thiện các dự án tuyến đê biển Đông, các dự án thuộc Chương trình 667, các công trình kè chống sạt lở, đường bộ ven biển; các dự án thuộc Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu; kho dự trữ muối quốc gia tại xã Điền Hải; Dự án khu dân cư tái định cư rừng phòng hộ tỉnh Bạc Liêu; đầu tư các khu neo đậu tránh trú bão, cảng cá, bến cá; triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ vùng nuôi trồng thủy sản (ưu tiên đầu tư hạ tầng nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh), vùng sản xuất giống thủy sản tập trung quy mô lớn; đầu tư hệ thống âu thuyền trên kênh xáng Cà Mau - Bạc Liêu (thuộc TX. Giá Rai và huyện Vĩnh Lợi) nhằm cung cấp nước phục vụ nuôi thủy sản vùng phía Nam Quốc lộ 1A; đầu tư kết cấu hạ tầng vùng nuôi tôm - rừng của huyện Đông Hải, Hòa Bình và TP. Bạc Liêu…

Quan tâm thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông liên kết vùng, kết nối với các tỉnh như: Đường cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu; cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; nâng cấp đường Quản lộ - Phụng Hiệp; đường Nam Sông Hậu; Quốc lộ 1A; đường bộ ven biển (theo Quyết định 129/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn của Bộ Giao thông - Vận tải để đảm bảo kết nối và hội nhập quốc tế. Thu hút đầu tư vào các dự án xử lý sạt lở cấp bách đường bờ sông, bờ biển; dự án chống ngập dọc Quốc lộ 1A tại những đoạn xung yếu thường xuyên bị ngập... phục vụ phát triển KTB…

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Kim Trung

baobaclieu.vn