Ấn Độ và những nỗ lực của Chính phủ thúc đẩy ngành công nghiệp hydro xanh

08:16 | 12/07/2023

129 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ấn Độ muốn trở thành một trung tâm toàn cầu về sản xuất hydro “xanh” - loại nhiên liệu hydro được tạo ra bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo để tách phân tử nước. Đó là một kế hoạch đầy tham vọng cho một quốc gia chuyên tiêu thụ hydro “xám” - được sản xuất chủ yếu bằng nhiên liệu hóa thạch.
Ấn Độ và những nỗ lực của Chính phủ thúc đẩy ngành công nghiệp hydro xanh
Dự kiến Ấn Độ sẽ sản xuất loạt hydro xanh đầu tiên vào năm 2026

Dự kiến Ấn Độ sẽ sản xuất loạt hydro xanh đầu tiên vào năm 2026. Dù vậy, quốc gia này đã đàm phán thỏa thuận song phương về việc xuất khẩu nhiên liệu này với Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và những nước khác.

Sau đây là một số thông tin chi tiết về quá trình thúc đẩy ngành hydro xanh của Ấn Độ, cũng như những thách thức phải đối mặt.

Mục tiêu

Ấn Độ đặt mục tiêu sản xuất 5 triệu tấn hydro xanh/năm kể từ năm 2030, giúp quốc gia này cắt giảm đi khoảng 50 triệu tấn khí thải carbon và tiết kiệm hơn 12 tỷ USD từ hoạt động nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch.

Những công ty Ấn Độ - bao gồm Reliance Industries, Indian Oil, NTPC, Adani Enterprises, JSW Energy, ReNew Power và Acme Solar, đã đưa ra thông báo về việc thiết lập chuỗi sản xuất hydro xanh với công suất tích lũy hàng năm là 3,5 triệu tấn.

Tính đến thời điểm hiện tại, trong số 5 triệu tấn hydro tiêu thụ trong nước, phần lớn được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch.

Hỗ trợ của chính phủ

Vào tháng 1, Ấn Độ đã phê duyệt kế hoạch trị giá 174,9 tỷ rupee (2,11 tỷ USD) để khuyến khích và thúc đẩy ngành hydro xanh. Con số này tương ứng với ít nhất 10% chi phí sản xuất hydro xanh.

New Delhi cũng đã gia hạn chương trình miễn phí truyền tải năng lượng tái tạo cho tất cả những nhà máy sản xuất hydro đi vào vận hành trước tháng 1/2031.

Đấu giá

Chính phủ đã khởi động nhiều vòng đấu giá trong khuôn khổ chương trình khuyến khích hoạt động sản xuất hydro xanh bằng quy trình điện phân. Đấu thầu hỗ trợ sản xuất hydro xanh vẫn chưa bắt đầu.

Có 5 bang của Ấn Độ, bao gồm những bang công nghiệp hóa như Maharashtra và Gujarat, đã công bố nhiều chương trình hỗ trợ sản xuất hydro xanh và những dẫn xuất của hydro, như ưu đãi về điện hoặc hoàn thuế.

Thách thức

Hiện nay, hydro xanh có chi phí sản xuất đắt hơn so với hydro xám, với mức chênh lệch hơn 2 USD/kg.

Ngoài ra, có một thách thức khác mà Ấn Độ phải đối mặt: Năng lượng tái tạo không có sẵn vào mọi thời điểm, còn hoạt động lưu trữ điện chưa được tối ưu hóa.

Quốc gia này đặt mục tiêu cho năm 2030, là đạt 125 GW công suất đối với năng lượng tái tạo dùng để sản xuất hydro xanh. Hiện nay, công suất lắp đặt năng lượng tái tạo của Ấn Độ là 127 GW.

Châu Âu, Hàn Quốc và Nhật Bản đều là những quốc gia thiếu nguồn tài nguyên tái tạo. Do đó, những nước này có khả năng trở thành thị trường trọng điểm cho hydro xanh của Ấn Độ. Tuy nhiên, rào cản thương mại là một mối lo ngại lớn.

Ấn Độ đã bày tỏ quan ngại với Đức về những rào cản mà nước này áp đặt khi tổ chức gọi thầu cho dự án hydro xanh toàn cầu vào tháng 12/2022.

Ngoài ra, Ấn Độ cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh từ những nước thường xuyên trợ cấp vào năng lượng tái tạo, như Trung Quốc và Mỹ.

Nhà máy hydro xanh đầu tiên của Sinopec ở Tân Cương đi vào sản xuấtNhà máy hydro xanh đầu tiên của Sinopec ở Tân Cương đi vào sản xuất
Kế hoạch hydro xanh 7 tỷ của Tổng thống Biden bị đe dọaKế hoạch hydro xanh 7 tỷ của Tổng thống Biden bị đe dọa
UAE đặt mục tiêu sản xuất 15 triệu tấn hydro xanh vào năm 2050UAE đặt mục tiêu sản xuất 15 triệu tấn hydro xanh vào năm 2050

Ngọc Duyên

AFP